+ Chữa phù thũng, viêm sưng:
- Chân bị sưng phù, dùng ngón tay ấn xuống thấy thịt da lõm vào, lấy một nắm gạo tẻ nấu với một bó rau sam ăn cả nước lẫn cái. Ăn trong vài ngày.
- Bị hơi sưng, đau nhức (do bị đánh hoặc ngã...) ở lưng và hai bên sườn thì lấy khoảng 200g đậu đen sao chín rồi sắc với khoảng 300ml rượu, còn lại 200ml thì chia uống làm nhiều lần. Hoặc lấy khoảng 300g đậu đen, tầm ướt, sao nóng rồi lấy vải bọc lại thành hai gói chườm.
- Bị chứng chân nặng, phù thì lấy một con cá chép to nấu với 100g đậu đỏ, ăn hết cả cái lẫn nước trong ngày, ăn trong vài ngày.
- Do chất độc trong người tụ lại, khiến người sưng lên kết thành những cục cứng gây đau nhức gọi là chứng thũng độc. Khi phát hiện ra chứng này thì lấy một bát dầu mè cho nước hành (hành giã nát vắt lấy nước cốt) đun sôi lên khi nào thấy nước có màu đen thì đắp vào chỗ sưng đau khi còn đang nóng.
- Chân bị đau nhức và hơi sưng thũng (do bị thấp nhiệt thâm nhiễm) bệnh phát triển theo hướng xấu, chân bị tê yếu, đi đứng không vững rất nguy hiểm. Để chữa chứng bệnh này lấy lòng hạt vừng sao thơm, tán thành bột, đổ vào 100ml rượu ngâm qua một đêm chia ra uống dần trong nhiều lần.
- Bị viêm tấy, đau nhức thì lấy một nắm rau ngổ tươi rửa sạch, giã nát đắp vào chỗ sưng đau.
- Bị chứng cước khí, chân sưng phù đau nhức, bụng đầy trướng, đi tiểu ít thì lấy rau sam tươi nấu với gạo tẻ ăn liền trong mấy hôm.
- Bị mắc chứng cước khí, đầu gối và bàn chân sưng phù, thì lấy 15 - 20g lá rau muối rửa sạch cho vào hai bát (ăn cơm) nước sắc còn một bát, chia làm ba lần, mỗi lần cách nhau ba giờ uống nóng trong ngày. Bên ngoài thì lấy một lượng lớn lá rau muối nấu nước để xông, khi nước ấm thì ngâm kỹ hai bàn chân, ngâm xong thì xoa bóp chân và bàn chân nhiều lần.
- Mới bị phát chứng thũng độc thì lấy 1 thìa cà phê hạt cải bẹ trắng, tán nhỏ thành bột rồi hòa với giấm đắp vào.
- Bị mắc chứng phù thũng, mặt sưng to, trong người bức bối, mệt nhọc, khó chịu nằm ngồi không yên thì lấy 1 bát (ăn cơm) hạt củ cải, sao lên, tán thành bột, mỗi lần dùng 3 - 5 gam uống với nước đun sôi còn ấm. Bên ngoài thì lấy 1 cái chiếu cũ (rách) đem phơi trên mái nhà một ngày, đêm (nắng, sương). Cho vào nồi nấu kỹ với nước vo gạo, lấy nước này tắm cho ra mồ hôi.
- Chân bị mắc chứng cước khí, chân đau nhức, nhiều khi lan ra khắp người thì lập tức lấy khoảng 1 - 1,5kg cải củ, với nước đun sôi lên rồi vừa ngâm chân vừa lấy khăn nhúng nước ấy mà đấp lên chỗ đau. Đồng thời lấy cải củ (1 kg) thái mỏng, phơi khô, tán thành bột rồi tẩm vào tất hoặc rắc vào trong giày trước khi xỏ vào.
- Mắc chứng phù thũng, mặt nặng, chân sưng (ấn vào thấy lõm) thì lấy 150 gam rau cải soong tươi nấu với 200 gam cá chép dùng ăn vào buổi sáng. Buổi chiều thì lấy 40 - 50 gam rau cải soong rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, pha thêm vào một ít nước và 1 ít muối, cách 30 phút lại ngậm 1 ít và nuốt dần. Điều trị khoảng 4 - 5 ngày.
- Mắc phải chứng phù thũng thì lấy 15 - 20 gam hạt rau đay sắc đặc uống rồi uống nằm đắp kín chăn cho ra mô hôi nhiều, người thấy nhẹ đi và rất mau tiêu thũng.
- Để chữa chứng phù thũng, viêm thận cấp thì lấy vỏ dưa hấu, vỏ dưa chuột, vỏ bí đao mỗi thứ 6 gam, bèo cái, và lá tre mỗi thứ 10 gam. Tất cả cho vào siêu đất sắc với 400ml nước, còn 150ml thì uống trong ngày. Uống liên tục.
+ Cấp cứu khi bị rắn cắn:
- Bài 1: Lá và bông mào gà 30g, lá và bông du đủ 30g, rau ngót 30g, giã nát đắp một nửa, còn lại vắt lấy nước cho uống.
- Bài 2: Thuốc lào 3 - 4 điếu, nhai nuốt nước rồi lấy bã đắp lên vết cắn băng lại.
- Bài 3: Lá sắn dây hoặc lá mướp đắng 5 - 7 lá, rửa sạch làm như bài trên.
- Bài 4: Củ rẻ quạt (thường trồng làm cảnh, còn gọi là xương quạt, lưỡi kiếm, xạ can) làm như trên.
- Bài 5: Phèn chua, cam thảo 2 vị bằng nhau, tán nhỏ, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 3 - 6g.
- Bài 6:
Phèn chua: 20g (nửa phi, nửa sống).
Vôi ăn trầu: 20g.
Lá trầu.
Quế tốt.
Gừng tươi.
Quế và phèn tán mịn, gừng và trầu giã nhuyễn vắt lấy nước cốt, trộn với vôi và bột thuốc, thêm hồ vừa dẻo làm viên, chia làm 20 viên đem phơi thật khô.
Khi bị rắn cắn, sơ cứu xong, cho uống 1 viên, lại lấy 1 viên khác mài vào nước thành sền sệt bôi lên vết cắn. Trẻ em thì tùy theo độ tuổi mà giảm liều lượng.
+ Chữa độc bán hạ:
Phèn chua, gừng tươi mỗi thứ 1 mẩu nhỏ, giã thật nhỏ, chế vào tí nước sôi nguội, khuấy kỹ lọc lấy nước cho ngậm rồi nuốt.
+ Chữa chảy máu do chấn thương:
- Đọt cây chuối sứ (chuối hột) hoặc chuối tiêu (chuối và, chuối lùn) nhai nhỏ hoặc giã nhỏ, đắp lên băng lại.
- Tóc rối đốt thành tro, nghiền mịn rắc lên. Không có tóc rối thì cắt lấy tóc mới cũng được
- Thuốc lào hoặc mồ hóng bếp rịt lên.
- Cỏ mực (cỏ nhọ nổi) còn tươi 20g, vôi bột 5g, quết nhuyễn vê thành thỏi treo lên giàn bếp, khi cần cạo bột rắc lên.
+ Chữa đại tiện ra máu:
- Cỏ mực 15g, trắc bá diệp 15g, đậu đen 20g, tất cả cùng sao cháy sắc đặc uống.
- Rau diếp cá tươi, nhai sống hoặc vò nước cho uống hàng ngày.
- Cỏ mực 1 nắm sao cháy, rau má 1 nắm rửa sạch, đậu đen 1 bát sao thơm, sắc đặc uống.
+ Chữa tiểu tiện ra máu:
- Cỏ mực, lá tre, lá mã để, mỗi thứ 1 nắm sắc uống.
- Lá tre, rễ cỏ tranh sắc uống như bài trên.
+ Chữa ho ra máu:
- Cỏ mực 40g, lá sen 40g, lá ngải cứu 20g, trắc bá diệp 20g, sắc đặc cho uống.
- A giao hoặc keo da trâu 12g xắt thành miếng nhỏ bằng hạt bắp, rang với cát cho phồng rồi nuốt với nước nguội.
+ Chữa ói ra máu:
- Củ sắn dây 40g, cỏ mực 40g (sao cháy) ngải cứu 40g (sao cháy), tinh tre 40g, lá tre 20g, củ mạch môn bỏ lõi (mua ở hiệu thuốc). Sắc đặc cho uống.
+ Chữa chảy máu cam:
- Ngó sen 100g, rễ cỏ tranh 50g, rau má 15g sắc đặc để nguội uống.
- Lá đâu tằm, rau má, cỏ mực, lá sen, mỗi thứ 1 nắm dùng như bài trên.
- Lấy 1 mồi ngải cứu (thuốc cứu) rang cháy, nghiền mịn thổi vào mũi.
- Bột nghệ tỉnh khiết 50g, khuấy với nước cơm uống trong 5 - 7 ngày, mỗi ngày 2 lần sáng tối.
+ Chữa rong kinh, băng huyết:
- Lá sen tươi, ngải cứu tươi, cỏ mực tươi, mỗi thứ 1 nắm sắc đặc hoặc vò nước uống.
- Gương sen (sau khi đã lấy hạt) 5 cái, đốt thành than, nghiền nhỏ khuấy với nước nguội uống.
- Lá huyết dụ chọn lá đỏ 2 mặt, sao cháy sắc uống.
- Lấy một ít nhọ nồi, khuấy nước nguội uống (ngày 2 lần, mỗi lần một thìa canh).
+ Cầm máu vết thương:
- Vôi tôi.
- Lá trầu không.
- Lá gai làm bánh.
- Lá có mực.
Vôi và các thứ lá cùng quết nhuyễn, vê thành thỏi phơi khô rồi bọc giấy gác sẵn lên bếp. Thuốc này để càng lâu năm càng tốt.
Khi dùng, lấy dao sắc cạo thuốc thành bột mịn, rắc lên vết thương băng lại.
Hoặc có thể sử dụng các phương thuốc sau để trị chảy máu, ứ máu, cầm máu các vết thương:
- Bị thương do ngã hoặc bị đánh đau đớn và chảy máu thì lấy lá húng giổi rửa sạch giã nát đắp lên vết thương. Có thể dùng phương thuốc này chữa tức thời khi bị rắn cắn trước khi đưa đi bệnh viện hoặc dùng thuốc đặc trị khác.
- Bị đứt chân tay máu chảy ra nhiều thì lập tức lấy lá xương sông, lượng vừa đủ, rửa sạch giã nát đắp vào chỗ đứt.
- Bị ngã, va đập, bị đánh, v.v... thịt da bầm tím, máu ứ bên trong thì lấy củ cải trắng giã nát đắp lên vết bầm, máu tụ sẽ tan nhanh, Hoặc cắt ngang củ cải rồi chấm vào muối xát nhẹ lên vết bầm nhiều lần.
- Bị thương chây máu nhiều, hoặc ngã đau da thịt bị rách to vết thương há miệng không lành thì lấy lá tía tô non nhai nát nhuyễn đắp kín vết thương máu sẽ ngừng chảy. Sau đó lấy lá tía tô sao khô giòn tán thành bột mịn rắc lên vết thương, rất nhanh lành không làm mưng mủ, không để lại sẹo.
- Bị chấn thương chảy máu nhiều thì lấy lõi cây chuối hột hoặc chuối tiêu nhai hoặc giã nát nhuyễn đắp vào và băng lại.
- Bị thương do bị đập hoặc đau thì lấy một nắm cây hành (cả rễ thân lá) đem nướng chín, giã nát rồi đắp vào vết thương.
+ Chữa chứng mồ hôi nhiều, mồ hôi trộm:
- Mồ hôi như tắm, ra khắp mặt mũi, lưng ngực, ướt cả bàn chân, bàn tay (ở trẻ em gọi là mồ hôi trộm) thì lấy đậu ván trắng sao chín tán thành bột rồi uống thường xuyên pha với nước sôi để nguội.
- Mồ hôi ra liên tục ở ngực mà toàn thân không có mô hôi gọi là chứng "tâm hãm" nguyên nhân do lo nghĩ thái quá. Để chữa trị lấy 2 bó rau hẹ (cả gốc) rửa sạch rồi đổ vào 2 bát (ăn cơm) nước sắc còn 1 bát thì uống trong ngày. Uống liên tục đến khi khỏi.
- Bị chứng tự đổ mồ hôi thì lấy rễ cây rau kỷ 20 - 25 gam xé nhỏ sắc với 2 bát (ăn cơm) nước, còn lại 1 bát rót ra. Lấy gan lợn 100 gam thái mỏng nhỏ sao khô giòn trong niêu đất, tán nhỏ mịn. Hai thứ trộn vào nhau và chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần uống cách nhau 3 giờ.
- Trẻ em mắc chứng mồ hôi trộm (ra nhiều mồ hôi lúc ngủ) thì thường lấy một con cá diếc còn tươi (để nguyên cả con không mổ) nấu với búp dâu tươi (trai 7, gái 9), có thể nấu cháo cùng với gạo, hoặc mì, miến tùy thích. Ăn khoảng 7 đến 10 lần như thế (trai 7, gái 9).
Bài viết được trích từ sách: TỰ CHỮA BỆNH BẰNG CÂY THUỐC NAM
do Trần Hải Yến biên soạn, NXB Thời Đại ấn hành.
Hy vọng bài viết có ích lợi cho các bạn quan tâm.
Nhận xét
Đăng nhận xét