Tên khác: Cây hoa Tùng diệp, Ngọ thời hoa; Bán chi liên, Đại hoa mã xỉ hiện.
Tên khoa học: Portulaca grandiflora Hook. Họ Rau sam (Portulacaceae).
Nguồn gốc:
Cây có nguồn gốc Brazin (Ba Tây), Nam Mỹ: Chi Portulaca có 50 loài. Ở Việt Nam thường gặp một số loài như rau sam (P. olearaceae), cây Hoa mười giờ (P. grandiflora) v.v... Sở dĩ có tên Portulaca vì cây có quả nang kín với những hạt; khi quả già, nứt, mở ra như cửa (porta) mở. Cây Hoa mười giờ còn có tên Hán Việt là Ngọ thời hoa, cũng có nghĩa là có hoa nở vào khoảng giờ Ngọ (buổi trưa). Cây Hoa mười giờ được trồng làm cảnh, hoa đơn hay kép màu tím, đỏ hoặc vàng; mọc ở ngọn cành, thường nở vào lúc 10 giờ sáng và tàn trong ngày. Là cây hoa mùa hè, dễ trồng, thân bò lan trên mặt đất; thường trồng ở các vườn hoa; rìa luống. Ở Hà Nội (Việt Nam), trồng 2 giống:
- Hoa mười giờ kép, hoa to, nhiều lớp cánh màu cánh sen, cây này mọc khoẻ.
- Cây mười giờ hoa nhỏ, một lớp cánh, nhiều màu sắc; cây này mọc yếu. Trồng bằng gieo hạt hay giâm ngọn.
Cây Hoa mười giờ vừa là cây cảnh vừa là cây làm thuốc (Trung Dược Đại Từ điển; Trung Dược Từ Hải).
Mô tả:
Cây thảo, sống 1 năm; thân chất thịt; cao 20 - 25 cm phân cành; cành mọc vươn thẳng lên; màu tía, sáng bóng. Lá hình trụ tròn, mọc so le, dài 1 - 2,5 cm; đường kính 1 - 2 mm; ở kẽ lá có lông trắng mịn. Hoa mọc đơn chiếc hoặc mọc thành cụm ở đầu cành, đưởng kính 3 - 4 cm; cánh đài 2; cánh hoa 5, hoặc nhiều hơn; cánh dài 6 mm; màu vàng, đỏ, tím hoặc phới hồng; cánh hoa hình tìm ngược; không có lông. Bầu hạ 1/2 có 1 ô, quả nang, có nhiều hạt màu đen hay màu tro xâm; hạt hình thận hay bầu dục đường kính không tới 1 mm. Mùa hoa: tháng 6 - 7.
Bộ phận dùng: Toàn thảo
Thành phần hoá học:
Toàn cây có chứa Portulal. Thân cây và hoa có chứa b-cyanin, b-nidin, mesembryanthemin II, III, scutelia rein, scutellarin, acid b-lamic, neobetanin, vulgaxanthin II, indicaxanthin.
Tác dụng:
- Xúc tiến miễn dịch;
- Chống u bướu (kháng lựu).
Theo Đông y:
Tính vị: Khổ, vi tân; hàn.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc;
Chủ trị: Yết hầu sưng đau; bỏng; băng huyết; thổ huyết; bị đánh bị ngã tổn thương: thấp sang; sang tiết thũng độc.
Cách dùng, liều lượng:
Uống: Ngày dùng 15 - 30g, sắc nước thuốc để uống.
Dùng ngoài: Số lượng thích hợp; giã nát dược liệu rồi bôi, đắp chỗ đau hoặc giã, vắt lấy nước trấp bôi chỗ đau.
Kiêng ky: Phụ nữ có thai, không dùng [Trung Dược Từ Hải; trang 1819, số 07337, (1993)].
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét