Tên khác: Cỏ nến, Bông nến, Hương bồ, Bồ hoàng bao dài (Trường bao hương bồ)
Tên khoa học: Typha angustata Bory et Chaub. Họ Cỏ nến (Typhaceae).
Nguồn gốc:
Cỏ nến mọc hoang khắp nơi trên thế giới; ở Việt Nam cỏ nến mọc hoang nhiều ở bờ ao, ven hồ và đầm lầy.
Mô tả:
Cỏ nến (T. angustata), cây thảo, cao tới 2m, có thân rễ, sống nhiều năm. Lá mọc thành khóm dày, mềm, dài quá thân cây, rộng 1 - 2 cm. Lá non màu trắng ngà, mọc thành 2 hàng, có bẹ to, hình bản dài; gân lá song song. Hoa đơn tính, cùng gốc; cụm hoa mọc ở đầu ngọn; bông đực ở phía trên; bông cái ở phía dưới, thành hình trụ tròn màu nâu. Bông hoa đực và bông hoa cái tiếp cận nhau, dài 7 - 15 cm, đường kính 1,5 - 2 cm, trông như cây nến. Nhị ở hoa đực được bao bọc bởi những bông ngắn, màu vàng nâu; hạt phấn rất nhiều. Bông cái có lông màu nhạt hơn. Quả nhỏ hình thoi, khi chín mở theo chiều dọc.
Mùa hoa: tháng 6 - 9. Hạt phấn hoa nhỏ, màu vàng kim được dùng làm thuốc.
Bộ phận dùng:
Dùng phấn hoa phơi khô của hoa đực. Chọn ngày lặng gió, khô ráo, cắt lấy bông hoa, phơi khô; nếu trời râm phải tãi ra, tránh ủ nóng làm biến chất. Dùng cối nghiền, sàng sạch lông và tạp chất, rây lấy bột phấn nhỏ, phơi khô, để dùng. Cây được dùng làm thuốc ghi trong các Dược điển như T.angustata; T. angustifolia L. và T. orientalis Presl cùng một số loài phấn hoa khác, chủ yếu là phấn hoa cây Typha. Cần nghiên cứu khai thác sử dụng loại dược liệu này trong nước để giảm nhập khẩu Bồ hoàng của nước ngoài.
Thành phần hoá học:
Chất béo khoảng 30%, vitamin B1, B2, C, acid amin. Hoạt chất chủ yếu của phấn hoa Trường bao hương bồ (T. angustata) có: flavonoid, a-typhasterol (b-sitosterol); acid amin; acid asparaginic, leucin, alanin, lysin, histidin v.v...
Tác dụng:
- Tác dụng đối với hệ tim mạch.
- Giảm lipid huyết và chống xơ cứng động mạch.
- Ảnh hưởng đến quá trình ngưng máu.
- Tác dụng trên tử cung và đối với cơ trơn đường ruột.
- Ảnh hưởng đối với công năng miễn dịch.
- Tác dụng chống viêm
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Vị cam, vi tân, tính bình; vào các kinh can, tâm, tỳ.
Công năng: Chỉ huyết (cầm máu), khứ ứ, lợi niệu.
Chủ trị: Nôn ra máu, chảy máu cam, họ ra máu, băng huyết, Chấn thương xuất huyết, sưng đau: mất kinh, đau kinh; đau nhói thượng vị; đái khó, đau rít, tiểu ra máu.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 5 - 9g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Dùng ngoài: số lượng thích hợp, đắp lên chỗ đau.
Kiêng kỵ: Có thai không dùng.
Chủ thích:
Một số Dược điển nước ngoài cũng đã dùng một số loài Bồ hoàng như sau:
- Trưởng bao bồ hoàng (Typha augustata)
- Bồ hoàng lá hẹp (Typha angustifolia L): Cây này thưởng mọc ở vùng đầm lầy ven bờ nước và cả nơi nước lợ.
- Bồ hoàng; Hương bồ lá rộng (Typha latifolia L.)
- Bồ hoàng; Hương bồ phương Đông (Typha orientalis Presl.) (Chủ yếu là Bồ hoàng 1, 2 và 4 được ghi ở Dược điển Trung Quốc 1963, 1991, 1995).
Dược liệu này có ghỉ trong Nam Dược Thần Hiệu, Tuệ Tĩnh.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CẦM MÁU - Cây Cỏ Nến
Nhận xét
Đăng nhận xét