Tên khác: Phượng tiên thảo, (hạt là Cấp tính tử).
Tên khoa học: Impatiens balsamina L. Họ Bóng Nước (Balsaminaceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc Đông Nam Á, được trồng làm cảnh và làm thuốc ở Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Bóng nước là cây cảnh nhỏ, hoa thường màu đỏ, quả chín nứt thành mảnh xoắn tung hạt đi xa. Cây thường mọc hoang dọc theo dòng suối, bờ ruộng và vùng đất lầy; thường được trồng.
Mô tả:
Cây thảo sống hàng năm, mọc thẳng đứng cao 30 - 90 cm, thân nạc hình trụ tròn, nhẵn hoặc có lông mịn, hơi phân cành. Lá mọc so le dài 5 - 15 cm, rộng 1,2 - 2,5 cm; hình ngọn giáo, đầu lá nhọn, gốc lá hình nêm, men xuống phía thân, có cuống, phiến lá khía răng. Cây ra hoa vào mùa hạ. Hoa màu hồng hoặc màu trắng, sắc màu rực rỡ. Cuống hoa 1 – 3cm; hoa mọc ở kẽ lá, mảnh dẻ; có lông mịn, hoa ngắn hơn lá. Lá đài nhỏ, hình trứng. Cánh hoa: cánh cờ, nhỏ; hình vành hay mắt chim, đầu hơi lõm. Cánh hoa rộng, thùy ngang hình tròn to không cuống; cánh môi nhỏ, đầu ngọn ngắn; cựa ngắn hoặc dài, cong lại. Quả nang có lông tơ. Hạt có gân hình nang. Mùa hoa: mùa hạ. Mùa quả: tháng 9.
Bộ phận dùng:
Hạt, bộ phận cây trên mặt đất, hoa, rễ thu hái vào vụ hạ, thu, loại bỏ tạp chất, làm sạch, phơi khô
Thành phần hoá học:
Phần trên mặt đất chứa lawson, ether methyl lawson, acid coumaric, scopoletin, perlargonidin, cyanidin, delphinidin; hoa có anthocyanin, malvidin.
Tác dụng:
Kháng trực khuẩn. Ở Indonesia, lá dùng để chữa thương tích, sưng loét, chín mé (panaritium).
Công dụng:
Hạt Bóng nước trị:
- Vô kinh, đẻ khó (dystocia)
- Chứng khó nuốt (dysphagia)
Liều dùng: 15 - 30 g (Theo Medicinal plants in China 1989 - WHO)
Theo Đông y:
* Dược liệu toàn thảo (trừ rễ)
Tính vị: Tân, khổ, ôn
Công dụng: Khu phong, chỉ thống (ngừng đau), hoạt huyết, tiêu thũng (tiêu sưng).
Chủ trị: Phong thấp thống (phong thấp đau khớp xương), bị đánh bị ngã tổn thương; loa lịch lao hạch, ung đảm, đinh sang (nhọt đầu đinh).
Cách dùng, liều lượng:
Uống: Ngày dùng 10 - 15g (dược liệu khô) hoặc 30 - 60g dược liệu tươi, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: Giã nát dược liệu, đắp chỗ đau hoặc sắc nước rửa, bôi chỗ đau.
* Hoa (Phượng tiên hoa):
Tính vị: Cam, vi khổ, ôn.
Công dụng: Khu phong, chỉ thống (ngừng đau), hoạt huyết, tiêu thũng.
Chủ trị: Phong thấp thiên phế, đau yếu thắt lưng; phụ nữ kinh bế, đau bụng; sau khi đẻ ứ huyết, huyết hôi không ra hết; bị đánh, bị ngã tổn thương, ung nhọt, định sang.
Cách dùng, liều lượng:
Uống: ngày dùng 1,5 - 3 g (dược liệu khô) hoặc 3 - 9g dược liệu tươi, dạng thuốc sắc hoặc tán bột, ngâm rượu.
Dùng ngoài: giã, vắt lấy nước trấp nhỏ vào chỗ đau hoặc giã thuốc đắp vào chỗ đau hoặc sắc lấy nước rửa chỗ đau.
* Rễ (Phượng Tiên Căn):
Tính vị: Cam, bình.
Công dụng: Hoạt huyết, thông kinh, nhuyễn kiên, tiêu thũng.
Chủ trị: Phong thấp, gân cốt đau đớn, bị đánh bị ngã sưng đau, hóc xương cá.
Cách dùng, liều lượng:
Uống: tán thành bột mịn để uống, hoặc tẩm rượu để uống.
Dùng ngoài: giã đắp chỗ đau
(Theo Trung Dược Từ Hải, Tập 1, trang 1253 - 1255 (1993))
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Bóng Nước
Nhận xét
Đăng nhận xét