Tên khác: Panxê, Tam sắc cẩn (cây hoa tím nhạt), Hồ điệp hoa.
Tên khoa học: Viola trieolor L. Họ Hoa Tím (Violaceae).
Nguồn gốc:
Cây có nguồn gốc châu Âu, sau được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Hoa cánh mỏng, nhiều màu sắc, trông như hình bướm đậu. Cây được nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, trồng ở vườn hoa công viên làm cảnh. Ở một số nước, cây còn dùng làm thuốc.
Mô tả:
Cây thảo, hai năm; nhỏ; thân có góc cạnh: lá thuôn dài. Hoa to, lưỡng tính, đường kính 3 – 5cm, màu sắc tươi đẹp; mỗi đoá hoa có 3 màu: lam, trắng, vàng: mùi thơm nhẹ; đài hoa 5 răng; tràng 5 cánh (đôi khi tràng 3 màu lại điểm thêm điểm tím trên màu vàng). Bốn cánh hoa mọc đứng, còn cánh hoa thứ 5 mọc ngã về phía dưới và có cựa, bầu thượng, 1 ô, quả nang, 3 van, hình 3 cạnh. Mùa hoa: từ mùa xuân đến mùa thu.
Có bai giống Hoa Bướm phổ biến: giếng cây thấp dưới 20cm hoa bé; giống cây cao 20 – 25cm, hoa to; gây giống bằng hạt hay bằng cách tỉa mầm; gieo hạt từ tháng 7 đến tháng 10, 1m2 gieo 2 - 3g hạt (1 g hạt có 650 - 700 hạt); phủ lên các hạt gieo một lớp đất bột dày 0,5cm; rắc mùn; tưới; sau 5 - 6 ngày, hạt sẽ mọc. Sau 20 - 30 ngày, cho ra vườn ươm; 30 - 40 ngày sau bứng ra trồng ở vườn hay ở chậu. Cây ra hoa sau khi trồng 90 - 110 ngày. Vụ họa 3 - 4 tháng. Để quả giống trên cây; mỗi quả có 30 - 40 hạt; chọn hạt to, mẩy làm giống; phơi 2 - 3 nắng nhẹ.
Bộ phận dùng:
Toàn cây; thu hái lúc ra hoa, phơi sấy nhẹ độ.
Thành phần hoá học:
Thân, lá chứa: Glycosid violutosid, tanin, saponosid.
Hoa chứa: Rutosid, tinh dầu, saponin, tiền sinh tố A, sinh tố C nhiều tocopherol (30,2 mg/100 gram hoa khô); caroten, lycopen, xanhthophyl, phytofluen; methyl salicylat, alcaloid, violin, chất đường, chất nhầy, violanin, violaxanthin.
Tác dụng:
Lợi tiểu, nhuận tràng, khử lọc (depuratif)
Công dụng:
Theo Dr. Palatseul: thu hái cây Hoa Bướm lúc cây đang ra họa, phơi trong râm hoặc sấy nhanh, nhẹ độ vì dễ bị giảm chất lượng. Hoa Bướm: trước tiên là thuốc lợi tiểu và khử lọc (depuratif). Khi vò Hoa Bướm ta thấy có mùi vị methyl salicylat, vì vậy hoa còn dùng để chữa eczêma, bệnh nấm, bệnh vẩy nến, chốc đầu, trứng cá của thiếu niên, bệnh ngứa (prurit) của người cao tuổi; mụn; chữa phù thũng, tích dịch, bệnh thấp khóp, đặc biệt là thấp khớp kèm theo sốt.
Cách dùng, liều lượng:
Dùng chữa mụn, rộp da, phù thũng: Ngày dùng 40 - 60g cây khô, thêm 1 lít nước, ngâm lâu ít nhất 1 giờ. Sau đó đun nhẹ từ từ cho sôi lên trong 10 - 20 giây; hãm lâu 10 phút; uống 3 - 4 chén một ngày, giữa các bữa ăn hoặc 1/2 giờ trước bữa ăn.
Chữa thấp khớp: Ngày uống dần 1 lít thuốc sắc; cách xa bữa ăn. Ngoài ra, vừa uống vừa dùng gạc thấm nước sắc này đắp chỗ đau (dùng ngoài).
Thuốc lọc máu, nhất là chữa bệnh ngoài da cho trẻ em.
Cách dùng: Dạng thuốc hãm Hoa Bướm (10 phần hoa khô, trong 100 phần nước sôi), (11g hoa tươi bằng 1g hoa khô – Theo Hagers).
Theo Đồng y:
Toàn cây có tác dụng trị chứng viêm đường hô hấp.
Công dụng, chủ trị: Ngừng ho, trị lao hạch ở trẻ em.
Cách dùng, liều lượng:
- Uống: ngày dùng 4 - 12g nước sắc.
- Dùng ngoài: vắt lấy nước trấp, bôi đắp vết đau.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Bướm Bạc
Nhận xét
Đăng nhận xét