Tên khác: Hốt bố, Hương bia, Hoa bia.
Tên khoa học: Humulus lupulus L.; Họ Gai dầu (Cannabinaceae).
Nguồn gốc:
Cây mọc hoang ở bờ bụi, hàng rào, bờ sông, bìa rừng. Là cây leo cuốn, có hương thơm: được trồng chủ yếu để lấy hoa cái để điều chế rượu bia. Là cây ôn đới thường sống ở vĩ độ 40 - 50 độ bắc; chịu rợp trong thời kỳ đầu, ưa nắng khi ra hoa; ưa đất sâu tầng và thấm nước tốt. Đây là loài cây khác gốc (đực, cái riêng gốc); sống lâu năm, có thể sống 100 năm. Cây trồng giữ được 10 - 20 năm; thân ra hàng năm; thân cuốn theo chiều kim đồng hồ, vươn cao đến 10m. Hoa đực mọc thành chùm, mọc đối. Hoa cái ra từng cặp đôi, ở kẽ lá, dưới dạng nón hình trứng, mỗi nón 20 - 60 hoa. Ở gốc mỗi lá bắc, có những hạch màu vàng tiết ra thứ nhựa dầu, đem phơi nắng hoặc cho sấy khô; cho chất bột thơm lupulin, dùng trong công nghệ rượu bia. Chỉ có cây Hoa bia cái mới có giá trị kinh tế. Năng suất cây trồng, mỗi héc ta: 8 - 10 tạ nón khô (kể từ năm thứ ba). Ở Việt Nam đã trồng thí nghiệm tại Sơn La, Lạng Sơn, Lâm Đồng v.v...
Mô tả:
Cây leo trồng trong vườn; leo trên dàn dây thép, thân cuốn dài. Lá có thùy chân vịt, khía răng cưa, sờ thấy ráp. Những thân ngắn, mang cụm hoa cái hình đuôi sóc, hoa mọc dày, gọi là nón. Trong thời kỳ thụ phấn sinh quả, hoa cái biến chuyển thành nón, hình trứng, bao gồm nhiều lá bắc nhỏ, màu lục, vàng, trên phủ những phấn, nhựa vàng, thơm và đắng; gọi là lupulin. Tháng 8 - 9 trước khi nón chín, người ta thu hái về và sấy khô trên bếp hoặc lò sấy để dùng làm thuốc hoặc chế tạo rượu bia. Quả cây Hoa bia là loại quả nang, nhỏ.
Bộ phận dùng:
Nón Hoa bia, với những lá bắc xếp lớp, trên phủ những tuyến nhỏ màu vàng (là những lông tiết). Người ta đập nhè nhẹ đề lấy ra được lupulin đưới dạng bột phấn màu đỏ nâu.
Thành phần hoá học:
Nón Hoa bia chứa tinh dầu, trong đó có terpen và các ester (trong đó có một ester có tính chất valêrian). Hoa còn chứa nhựa đắng, là những ceton không ổn định: lupulon và humulon. Ngoài ra còn có humulenen II, -corocalen, calocoren (2-methyl-but-3-en-2-ol), myrcetin, caryophyllen, astragalin, isoquercitrin, rutin, kaempferol, quercetin, leucocyanidin v.v...
Tác dụng:
Kháng khuẩn; trấn tĩnh
Chất lupulin có tính sát trùng và làm dịu.
Hoa bia còn có tác dụng của chất đắng và mùi thơm, có tác dụng làm dễ tiêu hoá; do vậy được dùng để điều chế rượu bia. Hoa bia còn dùng để điều chế bột thuốc làm dịu và thuốc về mao mạch, thuốc phục hồi sức, tiếp sinh lực (revitalisant); còn dùng trong hương liệu, mỹ phẩm.
Theo Đông y:
Tính vị: Khổ, vi lương, không độc.
Công dụng: Kiện vị, tiêu thực; lợi niệu; an thần;
Chủ trị: Tiêu hoá không tốt, bụng trướng, phù thũng, trị viêm bàng quang, phối kết hạch, mất ngủ.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 2g - 4g, uống dạng nước sắc.
Chú thích:
Theo Palaiseul: Hoa bia có tác dụng khai vị, làm dịu; bổ; lại tiểu, khử lọc; dễ tiêu; chống co thắt; giữ cân bằng chức năng tiêu hoá; tác dụng gây ngủ; làm dịu đối với bệ máy sinh dục, chữa cương đau đương vật, dịu dục, ngăn di tinh.
Cách dùng, liều lượng:
- Làm thuốc bổ, khai vị cho bệnh nhân đang hồi sức:
Lấy 15 - 20g nón Hoa bia khô (nát vụn) thêm 1 lít nước sôi; hãm lâu 10 phút. Uống 1 cốc nước hãm, trước các 3 bữa ăn, làm thuốc bổ, khai vị cho bệnh nhân đang hồi sức. Uống 1 chén nước hãm sau bữa ăn sẽ trợ giúp tiêu hoá, đỡ nặng bụng.
- Chữa mất ngủ, uống thuốc hãm: 3 thìa xúp Hoa bia trong chén nước sôi; ngày uống 1 lần. Người ta còn nhồi gối bằng Hoa bia cho dễ ngủ.
- Dùng dạng thuốc nước sắc: 40g nón Hoa bia khô trong 1 lít nước đun sôi lâu 2 phút, hãm thêm 5 phút. Ngày uống 3 chén; chén thứ 3 trước khi đi ngủ: làm dịu dục.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Hublông
Nhận xét
Đăng nhận xét