Tên khác: Cây hoa Cứt lợn, Cỏ hôi, Thắng Hồng kế.
Tên khoa học: Ageratum conyzoides L. Họ Cúc (Asteraceae).
Nguồn gốc:
Cây có nguồn gốc châu Mỹ nhiệt đới, được trồng ở Đông Nam Á như ở Việt Nam, Indonesia. Ở Indonesia, cây mọc hoang và được trồng ở Java. Cây thảo, cao tới 1,2 m, hoa tím, trắng, lá có mùi hôi, cây được dùng trong y học cổ truyền. Ở Việt Nam, cây mọc hoang khắp mọi nơi, ở bò ruộng, bên lề đường, bãi cỏ; có nơi mọc tập trung nhiều, từng đám rộng lớn.
Mô tả:
Đặc điểm của Chi Ageratum L. là cây họ Cúc, với cụm hoa hình đầu nhỏ; hoa mọc dày, sít nhau và thường có màu hơi xanh lam; cây hoa thường dùng để trắng viền các vườn.
Cây thảo nhỏ, sống một năm, cao khoảng 30 - 60 cm. Lá mọc đối, hình trứng hay 3 cạnh; dài 3 - 6 cm, rộng l - 3 cm, hai mặt đều có lông; phiến lá khía răng tròn. Hoa nhỏ màu tím lam. Quả bế, màu đen, có 5 sống dọc. Cây ra hoa nhiều vào mùa hạ.
Bộ phận dùng:
Toàn cây, trừ rễ để riêng ra; thu hái vào vụ hè-thu; phơi, sấy khô (có nơi dùng cả rễ và lá).
Thành phần hoá học:
Cây chứa: flavonoid, acid amin, acid hữu cơ, tinh dầu; friedelin, b-sitosterol, stigmasterol v.v... Hàm lượng tinh dầu 0,7 - 2%, trong chứa: cadinen, caryophyllen, Ageratochromen, demethoxygeratocromen v.v...
Tác dụng:
Trị viêm xoang mũi dị ứng, viêm mũi mạn và cấp tính.
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Tân, khổ, bình; vào hai kinh phế, tâm bào.
Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc; lợi (yết) hầu; tiêu thũng (tiêu sưng).
Chủ trị: Cảm mạo phát nhiệt, họng sưng đau. Ung nhọt, ghẻ lở, ngoại thương, xuất huyết.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 20 - 40g được liệu khô, hoặc 40 - 80g dược liệu tươi, uống dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: Giã nát bôi hoặc tán thành bột mịn, thổi vào họng (xung hầu).
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Hoa Cứt Lợn
Nhận xét
Đăng nhận xét