Tên khác: Cây Rum, Hoàng lam, Hồng lam, Hồng hoa thảo.
Tên khoa học: Carthamus tinctorius L. Họ Cúc (Asteraceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc Phương Đông, được trồng từ lâu đời ở Ba Tư, Trung Quốc, Nhật Bản; sau đến Bắc Phi, Nam Âu để làm phẩm màu và làm thuốc. Cây được trồng nhiều nơi ở Việt Nam tại Hà Giang sau đến một số tỉnh ở Bắc Bộ, Trung Bộ như Nghệ An v.v... Cây trồng bằng hạt vào vụ xuân.
Giá trị, chất lượng Hồng Hoa trồng ở châu Âu thường không cao bằng Hồng Hoa Ba Tư, Hồng Hoa Bengal, Hồng Hoa Ai Cập v.v...
Mô tả:
Cây thảo sống 2 năm, cao 0,80 - 1,5 m; thân có rãnh dọc; lá không cuống, mép lá răng cưa thành gai. Cụm hoa đầu, hợp thành ngù rộng. Hoa màu đỏ hoặc da cam, tràng hình ống có 5 thùy; nhị 5; vòi nhụy có lông; quả bế, trắng có 4 cạnh lồi.
Bộ phận dùng, chế biến và bảo quản:
Hoa: Dùng làm thuốc. Đầu mùa hạ, khi hoa đang nở, cánh hoa chuyển từ vàng sang đỏ; hái về, để ở nơi thoáng gió, có ánh nắng, hoặc phơi trong râm cho khô; không phơi trực tiếp giữa năng to vì bị biến màu. Bảo quản ở nơi khô, mát, râm mát, tránh ẩm mốc, mọt.
Thành phần hoá học:
Sắc tố vàng: carthanin, isocarthanin (chalcon), carthamidin (flavononol); (15a, 20b-Dihydroxy-D⁴-pregnen-3-on). Lá chứa 7 glycosid flavonoid, dẫn xuất của luteolin, 14 dẫn chất polyacetylen. Trong rễ có polyacetylen; quả chứa protein 15%; lipid 30%. Dầu ép từ hạt có acid béo chưa no: acid oleic 13 - 15%, linoleic 75% v.v...
Tác dụng:
Nước sắc Hồng hoa có tác dụng tăng co bóp tử cung, làm hạ huyết áp; tăng co bóp tim; co mạch máu; co cơ trơn phế quản. Hồng Hoa còn có tác dụng hạ lipid huyết, tác dụng chống ngưng huyết, tác dụng hoạt tính miễn dịch và chống viêm; tác dụng đối với hệ thần kinh v.v...
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh (Hoa): Tân, ôn; vào các kinh tâm, can.
Công năng: Hoạt huyết thông kinh, tán ứ, chỉ thống.
Chủ trị: Kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, máu hôi không ra; hòn cục bĩ khối, sưng đau do sang chấn; mụn nhọt sưng đau.
Cách dùng, liều lượng (Hoa): Ngày dùng 3 - 9g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiếng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Hồng Hoa
Nhận xét
Đăng nhận xét