Tên khác: Hoa vương, Lạc dương hoa, Vân Nam Mẫu đơn.
Tên khoa học: Paeonia suffruticosa Andr. [P.moutan Sims. P. yunnanensis Fang]. Họ Hoàng liên (Ranunculaceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc Trung Quốc, được trồng nhiều vùng ở Trung Quốc; đặc biệt phân bố ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Cam Túc, Thiểm Tây, An Huy, Hồ Nam, Sơn Đông, Vân Nam v.v... Ở Châu Âu cũng nhập trồng làm cảnh. Ở Việt Nam, trước kia, cây cảnh này được nhập từ Trung Quốc để thưởng thức dịp Tết âm lịch; vỏ rễ dùng làm thuốc... (Mẫu đơn bì). Từ năm 1960, đã thí nghiệm di thực; giữ giống thành công ở Sa Pa (Lào Cai).
Mô tả:
Cây sống nhiều năm, cao tới 1,5 m. Rễ phát triển thành củ. Lá mọc so le; kép hai lần hình lông chim, mặt trên xanh lục, mặt dưới hơi trắng, có lông. Cuống dài 6 - 10 cm. Hoa to, mọc đơn độc ở đầu cành, đường kính 15 - 20 cm, màu đỏ, hồng, tía hoặc trắng, mùi thơm ngất giống như hoa Hồng. Người ta dựa vào hoa hình mà chia ra 3 chủng loại Mẫu đơn:
1. Đơn biện chủng: loại cánh đơn.
2. Bán trùng biện chủng: loại cánh bán kép.
3. Trùng biện chủng: loại cánh kép.
Bộ phận dùng: (làm thuốc)
Vỏ rễ phơi khô mặt ngoài có màu xám nâu, mặt trong màu nâu.
Thu hái, gia công: mùa thu lá rụng, đào lấy rễ, loại bỏ rễ con và tạp chất, phơi khô, bỏ lõi gỗ rễ to, bóc, tước lấy vỗ rễ bằng cách bổ đọc bóc lấy vỏ gọi là Nguyên đan bì; mặt ngoài vỏ này hơi thô, sắc màu phấn hồng, còn gọi là Quất đan bì hoặc Phấn đan bì.
Thành phần hoá học:
Vỏ rễ có: paeonol, paeonosid, paeonolid, paeonoflorin, oxypaeoniflorin, benzoylpaeoniflorin, catechin, saccharose; tinh dầu 0,15 - 0,4%; sterol,
Tác dụng:
- Tác dụng đối với trung khu.
- Tác dụng hạ huyết áp.
- Tác dụng kháng khuẩn.
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Khổ, tân; vi hàn; vào các kinh tâm, can, thận.
Công năng: Thanh nhiệt, lượng huyết, hoạt huyết, hoá ứ.
Chủ trị: ôn độc phát ban, thổ huyết nục huyết (chảy máu cam); đêm sốt buổi sáng mát; cốt chưng (nhức trong xương), không ra mồ hôi, kinh bế, thống kinh, nhọt độc; sưng đau do sang chấn.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 - 12g, dạng thuốc sắc hay hoàn tán. Thường phối hợp với vị thuốc khác.
Kiêng kỵ: Nếu nhiệt ở phần khí, hoặc tỳ vị hư hàn, ỉa chảy thì kiêng dùng. Không nên dùng hoặc dùng thận trọng đối với phụ nữ có thai và trường hợp kinh nguyệt ra nhiều.
Phương thuốc kinh nghiệm:
1. Trị huyết nhiệt, thổ huyết; Nục huyết: Mẫu đơn bì, Thược dược, mỗi vị thuốc 10g, Sinh địa 15g; Thạch cao 20g. Sắc nước uống.
2. Điều trị cao huyết áp:
- Mẫu đơn bì phối hợp với Kim cúc hoa, Thảo quyết minh, Ngân hoa đằng
- Mẫu đơn bì 30g, sắc nước 2 lần, ngày chia 3 lần uống.
3. Viêm mũi dị ứng: Mẫu đơn bì 10g, sắc uống 10 ngày là 1 liệu trình.
4. Viêm da dị ứng: Đan bì 6g, Phù bình thảo 5g, sắc nước uống, mỗi buổi tối 1 lần.
5. Kinh nguyệt không điều hoà; hành kinh đau bụng:
- Mẫu đơn hoa sắc nước, chia ra sớm tối để uống.
- Mẫu đơn bì 20g, Hồng hoa 6g: sắc nước thuốc 2 lần, chia ra uống vào buổi sớm và buổi tối (chu kỳ kéo dài 40 - 45 ngày).
Chú thích: Về độc tính của Mẫu đơn bì, tuy không có độc, nhưng không nên dùng liều lượng nhiều, vì sợ phá huyết. Cũng không nên dùng Mẫu đơn bì độc vị kéo dài, vì sơ mất huyết.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Mẫu Đơn Bì
Xem thêm: MẪU ĐƠN (Peony) - Phú quý chi hoa
Xem thêm: CHỮA LỴ TRỰC TRÙNG - Đơn Đỏ
Nhận xét
Đăng nhận xét