Tên khác: Hoa Hồng, Hoa Hường (có vân, nếp nhăn).
Tên khoa học: Rosa rugosa Thunb. Họ hoa Hồng (osaceae).
Nguồn gốc:
Cây hoa Hồng nguồn gốc (châu Á) phương Đông (Syri: Damas). Ở Trung Quốc cũng có trồng loài hoa Hồng ở Nam châu Âu. Là cây cảnh cỡ nhỏ, cùng họ với Mận, Đào; thân có gai; lá kép lông chim lẻ, mép lá có răng cưa, có lá kèm; hoa gồm nhiều cánh màu trắng, hồng, đỏ hoặc vàng v.v... có hương thơm nức. Là loài cây hoa có nhiều chủng. Đế hoa hình chén; hoa thường có nhiều cánh, do nhị đực biến thành. Quả bế, tụ nhau trong đế hoa, dày lên thành quả (giả), Cây trông lấy hoa để trang trí và lấy tinh dầu thơm, quý giá, làm nguyên liệu nước hoa. Cây hoa Hồng được trồng từ lâu đời ở các nước phương Đông, được tôn là hoa hậu các loài hoa, được gây trồng tạo giống rất công phu. Trong số vài vạn chủng tạo ra, có vài trăm chủng là có giá trị thương phẩm. Những chủng nổi tiếng có: Hồng hoa to như Hồng nhung (R. Villosa), Hồng đỏ, Hồng trắng, Hồng vàng, Hồng thơm. Hoa Hồng Damas có tới 0,15% tinh dầu; [hoa nhỏ, màu đỏ, thơm mùi quế (Rosa cinnamomea)]; cây Hoa Hồng bắc (Việt Nam) (Rosa tunguinensis), cây hoa Hồng đỏ (Hồng Pháp) (R. gallica)... hoa Hỗng mai khôi (R. rugosa) được dùng làm thuốc.
Mô tả:
Mai khôi hoa là hoa của cây hoa Hồng R. rugosa. Cây này có đặc điểm: thân cây cao 2m, rất nhiều gai, lá ráp với các gân có rãnh và nếp nhăn. Cây mọc thẳng đứng, vững chắc; chịu được rét, nên thường được trồng làm hàng rào ở vườn.
Bộ phận dùng:
Nụ hoa thu hái trước khi nở hoa vào cuối xuân, đầu mùa hạ, phơi ngay ở nhiệt độ thấp. Dược liệu là nụ hoa khô, hình bán cầu, hoặc hình khối không đều, đường kính 1 - 2,5 cm; đế hoa hình bán cầu, đồng trưởng với đài hoa ở phần đáy; đài 5 răng, hình mũi mác, màu lục hơi vàng, hoặc hơi nâu, có lông mịn, cánh hoa thường bị nhàu, khi rải ra có hình trứng rộng, các cánh hoa xếp lớp lên nhau, màu đỏ tía, đôi khi nâu vàng nhạt. Chất nhẹ và giòn; mùi thơm nồng, vị hơi đắng và se.
Thành phần hoá học:
Tinh dầu Mai khôi hoa 0,03%, chủ yếu chứa: citronellol, geraniol, nerol, eugenol, phenylethylalcohol và citronellol chiếm tới 60% hàm lượng tinh dầu; ngoài ra, còn có linalol (1-p-manthene) v.v... Hoa có: cyanin, tanin, flavon, b-caroten, v.v...
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Cam, vi khổ, ôn; vào các kinh can, phế.
Công năng: Hành khí, giải uất, hoà huyết, chỉ thống (ngừng đau).
Dùng điều trị: can, vị khí thống, ăn ít, nôn mửa; kinh nguyệt không đều; bị đánh bị ngã tổn thương, đau.
Cách dùng, liều lượng: Chữa đau thượng vị, kém ăn, nôn mửa, do khí trệ; kinh nguyệt không điều hoà; đau do sang chấn. Ngày dùng: 1,5 - 6g, dạng thuốc sắc, hoặc rượu thuốc hay cao thuốc.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Tầm Xuân
Nhận xét
Đăng nhận xét