Tên khác: Mông hoa, Lão mông hoa.
Tên khoa học: Buddleia officinalis Maxim. Họ Mã tiền (Loganiaceae).
Nguồn gốc:
Cây nhỏ, cành non mang nhiều lông. Lá thuôn dài, đầu nhọn, mép nguyên hay có răng cưa nhỏ; dài 6 - 11 cm, rộng 2 - 4cm; mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn. Cụm hoa hình chuỳ, mọc ở ngọn, gồm nhiều xim có cuống; nhiều hoa màu ngà, mọc sít nhau. Quả nang mang đài còn lại ở phía dưới. Mùa hoa: tháng 2 - 3; mùa quả: tháng 7 - 8. Cây mọc hoang ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Bác Thái, trên núi đá vôi.
Bộ nhận dùng:
Hoa: (Flos Buddleiae)
Dược liệu dùng là nụ hoa hay cụm hoa. Thu hái hoa vào mùa xuân, lúc hoa chưa nở, loại bỏ tạp chất, phơi khô. Mật mông hoa (dược liệu) là cụm hoa gồm nhiều nụ nhỏ, mọc dày từng chùm. Hình dạng to, nhỏ, không đều; ngoài màu vàng xám hoặc nâu nhạt; có lông nhung nhỏ, mọc dày; nụ có hình gậy ngắn, trên to dưới nhỏ, dài 0,8 cm, to 0,2 cm, đầu tròn, hơi phình to; đài hoa hình chuông, có 4 răng, tràng hoa hình ống, dài bằng hoặc hơn đài; có 4 cánh; nhị 4, cắm ở giữa ống tràng. Chất mềm, hơi thơm, vị hơi đắng, cay.
Chế biến dược liệu:
Tẩm rượu 1 đêm, vớt ra để khô, đem tẩm mật trong 3 giờ rồi phơi khô, làm như vậy 3 lần. Có khi chỉ tẩm mật, sao qua, hoặc không cần sao tẩm. Bảo quản trong thùng kín, để ở nơi khô, thoáng mát, chống ẩm.
Thành phần hoá học:
Hoa chứa nhiều glycosid, trong đó có flavonoid như buddleio glycosid; linarin; acaciin; có glycosid triterpenic mimengosid A và B. Ngoài ra còn có: aucubin, catalpol, catalposid, p-methoxycinnamoyl aucubin, p-methoxycinnamoyl catalpol, acteosid, echinacosid.
Tác dụng:
- Hoa có ảnh hưởng tới tạng can.
- Chất acaciin của Mật mông hoa có tác dụng chống viêm.
- Đặc tính của acaciin trên chuột nhắt trắng (tiểu thử), LD50: 9,33 mg/Kg.
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Cam, vì hàn; vào kinh can.
Công năng: Thanh nhiệt dưỡng can, minh mục, thoái ế (nhuận gan, sáng mắt).
Điều trị: mắt đỏ sưng đau, chảy nhiều nước mắt che mờ; sợ ánh sáng, mắt có màng mộng; can hư mục ám, kiến vật hôn hoa (mắt mờ do chứng can hư, mờ giác mạc, thông manh). Mật mông hoa được dùng trong nhãn khoa chữa các trường hợp thông manh, mắt sưng đỏ, có màng mộng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 3 - 9g, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc:
1. Chữa đau mắt sưng đỏ: Mật mông hoa 9g, Cúc hoa 4g, Kính giới 4g, Long đởm 4g, Phòng phong 4g, Bạch chỉ 4g, Cam thảo 2g, nước 200ml; sắc còn 100ml, chia 3 lần uống trong ngày.
2. Đau mắt đỏ, sợ chói, chảy nước mắt: Mật mông hoa, Cúc hoa và Hoa mào gà, mỗi vị thuốc 12g; sắc uống.
3. Đau mắt đỏ thời khí ôn nhiệt, nhiều người mắc; mất ngủ nhức đầu hoặc bị sốt: Mật mông hoa, Bạc hà, Kinh giới, hạt Muồng, Huyền sâm, Dành dành, vỏ Núc nác, Ngưu tất, Mạch môn, mỗi vị thuốc 12g; sắc thuốc uống.
Chú ý:
- Có địa phương dùng hoa cây Bùng bục (Bông Hét, Cám lợn), Mallotus barbatus M.et A; họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) thay cho Mật mông hoa là không đúng.
- Đồng bào dân tộc còn dùng Mông hoa để nhuộm thực phẩm, như nhuộm xôi ăn, màu vàng đẹp.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét