Tên khác: Hoàng Lan, Hoàng miến (diến) quế.
Tên khoa học: Michelia charapaca L. Họ Ngọc lan (Magnoliaceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc vùng núi Himalaya giáp Ấn Độ, Tây Tạng (Trung Quốc), Nepal, Butan. Cây mọc hoang và được trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia... Ở Indonesia, cây có thể trồng tới độ cao 1.200m làm cây cảnh và làm thuốc. Ở Việt Nam, cây được trồng làm cảnh, lấy hoa thơm.
Mô tả:
Cây gỗ thường xanh, cao tới 20m; lá mọc so le; phiến lá nguyên, hình trứng, đầu nhọn mũi mắc hoặc hình thuôn dài; dài 18- 20 cm, rộng 5 - 7 cm. Hoa mọc đơn độc từ kẽ lá, màu vàng da cam; hương thơm nồng. Hoa có 15 - 30 cánh, nhọn đầu. Quả nhiều; mọc tụ tập lại, thành cụm, dài 7 - 15 cm; hạt màu đỏ.
Bộ phận dùng:
Hoa, rễ, vỏ thân; thu hái quanh năm; nhưng thường lúc cây ra hoa; dùng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hoá học:
Rễ chứa parithenolid 0,3%; vỏ cây chứa các alcaloid: ushinsunin, lirodenin, oxoushinsunin, magnoflorin; ngoài ra còn có b-sistoeterol.
Tác dụng:
Ushinsunin có tác dụng kháng khuẩn.
Theo Đông y:
Tính vị: Khổ, lương
Công dụng: Khu phong thấp; lợi yết hầu.
Chú thích: Hoàng lan (Ngọc lan hoa vàng cam); họ Ngọc lan (Magnoliaceae), khác với Hoàng lan (Ngọc lan tây hay Y lăng), họ Na (Annonaceace).
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét