Tên khác: Lão thử hoa.
Tên khoa học: Daphne genkwa Sieb. et Zucc. Họ Trầm (Thymelaeaceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc châu Á và châu Âu. Nguyên hoa được trồng hoặc mọc hoang ở Trung Quốc. Cây thuộc chi Daphne L, họ Trầm; một số loài Daphne được trồng ở châu Á (Indonesia) và ở châu Âu (Daphne mezerium).
Mô tả:
Cây cao 30 - 50 cm, thân mọc thẳng, phần nhiều cành, vỏ ngoài màu nâu tím, non thì có nhiều lông. Lá mọc đối; đôi khi so le, cuống ngắn. Hoa màu tím nhạt, lưỡng tính, 3 - 7 hoa mọc tại 1 điểm. Quả hạch, trong chứa 1 hạt. Cây mọc hoang ở vùng rừng núi, lẫn trong các bụi rậm hoặc được trồng.
Mùa hoa: tháng 3 - 4; mùa quả: tháng 5.
Bộ phận dùng:
Nụ hoa, thu hái mùa xuân, vào lúc hoa chưa nở. Nụ hoa phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học:
Hoa và nạ chứa: yuanhuacin; (genkwadaphnin-12-benzoxydaphnetoxin); yuanhuadin; yuanhuafin; yuanhuatin; yuanhuapin. Nụ boa chứa một số flavonoid: genkwanin (3-hydroxygenkwanin, luteolin-7-methylether), yuankanin, apigenin, luteoln, [tilirosid, (kaempferol 3-O-b-D-(6’’-p-coamaroyl) glucopyranosid. Hoa còn chứa dầu, một số acid béo như acid palmitic, oleic, linoleic v.v... Ngoài ra, tinh dầu Nguyên hoa còn có benzaldehyd, a-furaldehyd, phenylethanol; humulen, geraniol propionat; nerol pentanoat.
Tác dụng:
- Tác dụng kết thúc kỳ thai nghén và tác dụng đối với cơ trơn tử cung.
- Tác dụng đối với thũng lựu (khối u).
- Tác dụng lợi niệu.
- Tác dụng đối với hệ thống tiêu hoá.
- Tác dụng ngừng ho, trừ đờm.
- Tác dụng đối với hệ tim mạch.
- Ngừng đau, chống kinh quyết.
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Khổ, tân; hàn, có độc; vào các kinh phế, tỳ, thận.
Công năng: Tả thuỷ trục thử, giải độc, sát trùng.
Công năng chủ yếu của nụ hoa là: tẩy, xổ, trừ nước ngưng trệ ở cơ thể và diệt trừ ký sinh trùng.
Nguyên hoa được chỉ định chữa: Phù toàn thân (anasarca), tràn dịch, tích dịch màng phổi (hydrothorax) và cổ trướng với chứng khó thở; táo bón và giảm niệu (ít nước tiểu).
Dùng ngoài: Chữa ghẻ (scabies), nấm da, nấm lông (tinea), chứng cước (frostbite) do rét lạnh.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1,5 - 3 g, dược liệu Nguyên hoa khô;
Nguyên hoa chế với giấm; tán thành hột; ngày dùng 1 lần: 0,6-0,9g.
Kiêng kỵ:
- Phụ nữ có thai kiêng dùng.
- Nguyên hoa kỵ Cam thảo.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét