Tên khác: Hoa Bách diệp thảo; cây Cúc mắt ngựa (hoa).
Tên khoa học:
1. Inula japonica Thunb. (Toàn phúc hoa).
2. Inula britanica L.; (Âu Á Toàn phúc hoa).
Họ Cúc (Asteraceae).
Nguồn gốc:
Cây Toàn phúc (hoa) nguồn gốc Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên (châu Á) và cây Âu Á Toàn phúc (hoa), nguồn gốc Đông và Trung Âu và châu Á, thường gọi là cây Cúc mắt ngựa. Ở châu Âu trồng nhiều là cây Inula helenium L., mọc hoang ở Trung Âu, Đông Âu; được trồng ở Tây Âu. Còn Toàn phúc (hoa) mọc hoang và được trồng ở Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, dùng làm thuốc .
Mô tả:
Cây Toàn phúc (hoa) (I. japonica), cây sống nhiều năm, cao 30 - 80 cm; thân màu lục hoặc màu tía. Lá ở bộ phận giữa thân cây, hình thuôn hoặc hình tròn dài, đầu mũi mác; dài 4 - 13 cm, rộng 1,5 - 4,5 cm, hầu như không có cuống, phiến lá nguyên hoặc khía răng cưa; lá mặt trên ít lông hoặc không có lông, lá mặt dưới có lông nhỏ như bông. Cụm boa hình đầu, đường kính 3 - 4 cm; bao chung hình bán cầu; hoa có cánh hình lưỡi màu vàng, đài 10 - 13 mm. Quả nang, hình trụ tròn, dài 1 - 1,2m. Mùa hoa: tháng 6 - 10; mùa quả: tháng 9 - 11.
Cây Âu Á Toàn phúc (hoa) (I. britannica) còn gọi là Đại hoa Toàn phúc, hơi khác cây trên một số điểm: phiến lá hình tròn dài hoặc viên chùy, đầu mũi mác; đáy lá to rộng, hình tim, có tai. Cụm hoa to, hình đầu, đường kính 2,5 - 5 cm: ...
Bộ phận dùng:
Hoa, thu hái vào mùa hè, mùa thu, lúc cây đang ra hoa; loại bỏ tạp chất, phơi âm can hoặc ngoài nắng.
Thành phần hoá học:
Toàn phúc hoa (I.Japonica): Phân cây trên mặt đất chứa: inulicin, taraxasterol, (inuchinenolid, A, B, C), britanin, tomentosin, epiisoinuviscolid, gaillardin (15 deoxycis, cisartemisifolin). Hoa chứa: britannilacton; monacetylbritannilacton; diacetyl britaninlacton; britannilid, oxobritannilacton, eremobritannilin, inulalic acid, pratensein, kaempferol, quercetin, tamarixeton azaleatin, taraxasterol, daucosterol, acid myriatic v.v...
Âu Á Toàn phúc hoa (I.britannica), hoa có: britannilacton; monoacetylbritannilacton, diacetylbritannilacton v.v...
Tác dụng:
- Tác dụng đối với hệ thống hô hấp;
- Ngừng ho, trừ đờm;
- Tác dụng bình suyễn;
- Tác dụng chống viêm;
- Tác dụng kháng khuẩn;
- Tác dụng: sát trùng, ký sinh trùng;
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Khổ, tân, hàm, vì ôn; vào các kinh phế, tỳ, vị, đại trường.
Công năng: Giáng khí, tiêu đờm, hành thuỷ, ngừng nôn.
Do có tác dụng ngừng ho, trừ đờm, lợi tiểu, ngừng nôn, nên Toàn phúc hoa được chỉ định: trị ho do cảm mạo, ho khó thở; khạc đờm nhiều, do đờm tích tụ lại, trị buồn nôn, nôn mửa với cảm giác ngột ngạt ở vùng thượng vị.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng: 3 - 9g, cho dược liệu vào bao túi vải, thêm nước sắc để uống.
Chú thích:
Ở châu Âu, còn dùng cây thuốc cùng chi Inula là cây Inula helenium L. (Asteraceae), là cây Thổ mộc hương hay Cúc Thuỷ dương, lá to hình mũi mác, có răng cưa; mặt dưới lá có lông như sợi bông. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, thơm, có bao chung với lá bắc như sợi bông. Quả bế có mào lông màu hung. Rễ thơm, có tinh dầu và hoạt chất helenin (Alantolacton). Có tác dụng trị ho, trị giun, lợi mật. Được dùng chữa viêm phế quản, rối loạn tiêu hoá.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét