Bông quả đã phơi sấy khô của cây hạ khô thảo Prunella vulgaris L. Họ Hoa môi - Lamiaceae.
Tính vị: vị đắng, cay; tính hàn.
Công năng chủ trị:
- Thanh can hoả: dùng khi can nhiệt dẫn đến sốt cao hoặc đau mắt đỏ, đau con ngươi, nước mắt chảy dòng ra ngoài; hoặc còn dùng trong bệnh viêm gan cấp tính.
- Giải độc tiêu viêm: dùng trong các trường hợp vú có nhọt. Phối hợp với bồ công anh, xuyên sơn giáp. Ngoài ra còn dùng giải nhiệt độc ở tử cung, âm đạo.
- Tán uất kết, tiêu ứ tích: dùng trong các bệnh tràng nhạc, bướu cổ, phối hợp với mẫu lệ, hải tảo. Ngoài ra còn dùng trong bệnh lao phổi.
- Lợi niệu, tiêu phù thũng: dùng trong bệnh tê thấp dẫn đến phù nề.
- Hạ áp: dùng chữa cao huyết áp; phối hợp với thảo quyết minh, hoa hoè.
Liều dùng: 4 - 20g.
Kiêng kỵ: những người âm hư, vị yếu không có uất kết không dùng.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: thuốc có tác dụng hạ huyết áp.
- Tác dụng kháng khuẩn: hạ khô thảo có tác dụng ức chế với liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, lỵ trực khuẩn, trực khuẩn thương hàn, đại tràng.
- Ngoài cây hạ khô thảo nói trên, còn có vị thuốc hạ khô thảo nam Blumea subcapitata Dc (cái trời) có công dụng chữa cảm mạo và một số bệnh ngoài da.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Hạ Khô Thảo
Nhận xét
Đăng nhận xét