Là rễ của cây bách bộ - Stemona tuberosa Lour. Họ Bách bộ - Stemonaceae.
Bách bộ là vị thuốc được dùng từ lâu trong nhân dân ta để chữa bệnh. Bách bộ mọc hoang ở nhiều vùng núi nước ta.
Tính vị: vị ngọt, đắng, tính hơi ấm.
Công năng chủ trị:
- Ôn phế, nhuận phế, chỉ khái: dùng cho bệnh ho lâu ngày do viêm khí quán, ho gà, lao hạch có kết quả. Có thể dùng chữa viêm họng: bách bộ (tẩm mật sao) 12g, mạch môn (bỏ lõi sao) 12g, tang bạch bì (tẩm mật sao) 6g, xạ can 12g, cam thảo dây 6g, đường 24g làm dạng cao lỏng hoặc viên ngậm, cũng có thế dùng mạch môn 24g, thiên môn 24g, bách bộ, tang bạch bì, cam thảo dây mỗi thứ 12g. Nếu trẻ em ho nhiều, dùng bách bộ bóc bỏ vỏ, giã lấy nước cốt, hoà với một nửa mật ong uống.
- Thanh tràng: trị viêm đại tràng mạn tính: bách bộ (sao) 2kg, rễ móc diều 5kg, cạo vỏ thái mỏng, vỏ rễ dâu 2kg, rượu trắng 500ml, đường cát trắng 1kg, nấu cao, mỗi lần 20ml - 30ml; ngày 2 lần.
- Giải độc:
+ Diệt giun kim: bách bộ 40kg, sắc đặc thành 10-20ml, mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, dùng bơm tiêm thụt vào hậu môn, làm 2-3 tối liền.
+ Diệt chấy rận: dùng dịch cồn 20%, nước sắc 50% có thể dùng diệt chấy, rận cho người và gia súc.
Liều dùng: 8 - l6g.
Kiêng kỵ: những người dạ dầy và ruột yếu, ỉa chảy, không nên dùng.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: alcaloid của bách bộ có khả năng giảm thấp sự hưng phấn của trung khu hô hấp do đó có tác dụng trị ho. Phạm Thanh Kỳ và cộng sự thấy rằng bách bộ và các alcaloid chiết từ bách bộ có tác dụng giảm ho, trừ đàm tốt trên chuột thực nghiệm.
- Tác dụng kháng khuẩn: dịch chiết bách bộ có tác dụng kháng khuẩn mạnh, đối với vi khuẩn lao hoàn toàn bị ức chế.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: TRỊ GIUN SÁN - Cây Bách Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét