Là nhân hạt táo của cây táo - Ziziphus jujuba Lamk. Họ Táo ta Rhamnaceae.
Tính vị: vị chua, tính bình.
Công năng chủ trị:
- Tịnh tâm an thần: trị âm huyết không đủ, tâm thần bất an thấy tim đập hồi hộp, mất ngủ, chóng mặt, dùng bột (sao cháy) 2 - 4g; thần kinh suy nhược (do âm dương đều hư) dùng toan táo nhân (sao) 8g, lá vông, thục địa, quả trâu cổ mỗi thứ 20g, long nhãn, đỗ trọng mỗi thứ 16g, kim anh, khiếm thực, ba kích mỗi thứ 12g.
- Bổ can thận, nhuận huyết sinh tân dịch, phối hợp với hà thủ ô đỏ, mạch môn, thục địa.
Liều dùng: 4g, sao đen dùng 4 - 12g.
Kiêng kỵ: những người đang bị sốt, cảm nặng không nên dùng.
Chú ý:
- Quả táo chứa nhiều chất bổ ngoài việc làm thực phẩm, có thể dùng chữa bệnh cao huyết áp; bệnh thiếu vitamin C, B...
- Lá táo uống có tác dụng chữa ho, hen, viêm phế quản, khó thở, dùng ngoài chữa sang lở mụn nhọt, trừ mủ (có trong thành phần cao dán nhọt). Vỏ thân cây táo dùng chữa bỏng, vỏ rễ có thể dùng để chữa hắc lào đặc biệt táo rừng (Vũ Ngọc Lộ).
- Tác dụng dược lý: nước sắc toan táo nhân, liều 2,5g/kg và 5g/kg có tác dụng trấn tĩnh và gây ngủ đối với chuột cống, kéo đài giấc ngủ do thuốc ngủ barbituric gây ra. Còn có tác dụng giảm đau hạ nhiệt, đối kháng với những cơn co giật do strychnin gây ra. Liều 5g/kg dịch chiết bằng cồn, tiêm màng bụng sẽ nâng cao tỷ lệ sống của chuột bị bỏng, và kéo đài thời gian sống. Toan táo nhân sao chín, để nuôi chuột mỗi ngày 20-30g/kg có tác dụng ức chế cao huyết áp do thận, ở chuột cống.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CÂY QUẢ CÂY THUỐC - TÁO
Nhận xét
Đăng nhận xét