Là tổ con sâu - Melaphis chinensis (Bell) Baker ký sinh trên cây diêm phu mộc Rhus semialata Murr. Họ Đào lộn hột – Anacardiaceae.
Tính vị: vị chua, chát, mặn, tính bình.
Công năng chủ trị:
- Làm ngưng ra mồ hôi, cầm máu, trị mồ hôi trộm có thể uống hoặc lấy bột ngũ bội tử thêm nước, làm thành dạng hồ nhão, đắp vùng rốn, bên ngoài lấy băng cuộn lại, còn dùng để trị các chứng chảy máu bên trong, tử cung xuất huyết, đại tiểu tiện ra máu, khạc ra máu, chảy máu lợi, ngũ vị tử đắp ngoài cầm máu vết thương. Hoặc dùng bột ngũ bội tử cùng với bột phèn phi cùng lượng, trộn đều sát vào nách để chữa hôi nách. Ngoài ra còn dùng để trị yếu phổi, ho lâu khỏi.
- Làm ngưng ỉa chảy, cố thoát: dùng để trị ỉa chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày, cố thoát, dùng trị bệnh lòi dom, sa tử cung (sắc nước rửa cần thêm một ít phèn chua), cũng có thể dùng bột hai thứ đó mà bôi; chữa ỉa chảy mùa hè, bột ngũ bội tử uống mỗi lần 4g hoặc cùng với ô mai làm bột, mỗi lần uống 4–8g, hoặc phối hợp với ngũ vị tử.
- Giải độc sát khuẩn: dùng để trị mụn, nhọt, ung độc hoặc viêm niêm mạc miệng, viêm lợi răng, bị bỏng (dùng bột rắc vào).
Liều dùng: 4 – 12g.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: tác dụng cầm máu do tanin của ngũ bội tử làm thành màng bảo vệ khi tiếp xúc với da, làm mạch máu bị ép lại, do đó mà có tác dụng cầm tả và cầm máu, trị bỏng. Còn có tác dụng giải độc kim loại. Ngoài ra cần chú ý rằng acid galic có trong vị thuốc khi tiếp xúc ở niêm mạc và bề mặt các vết thương, nếu hấp thụ lượng quá nhiều sẽ làm cho trung tâm thuỳ nhỏ của gan bị hoại tử.
- Tác dụng kháng khuẩn: ngũ bội tử có tác dụng ức chế ly trực khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn bạch hầu, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn nhóm B, cầu khuẩn viêm phổi.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Đi Lỏng-Đau Bụng - Ngũ Bội Tử
Nhận xét
Đăng nhận xét