Đậu ván - Lablab purpureus (L.) Sweet subsp. purpureus thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây leo sống nhiều năm, phân nhánh, cao 3m và hơn nữa. Lá có 3 lá chét không lông ở mặt trên, có ít lông ở mặt dưới. Hoa tím thành chùm thưa ở nách lá. Quả đậu màu tím tía, dài 5-8cm, rộng 2cm, có mỏ ngắn cụp xuống, chứa 3-4 hạt dẹp, nâu tím hay đen. Có giống trồng có hoa màu trắng và hạt có vỏ màu trắng (Đậu ván trắng).
Đậu ván đã được trồng từ lâu đời ở nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ, đặc biệt là ở Ấn độ mà người ta cho rằng đó là quê hương của nó; có người cho là nó có nguồn gốc ở đảo Ăng ti. Do trồng trọt mà người ta tạo ra nhiều giống đậu ván khác nhau. Ở nước ta, đậu ván được trồng rải rác ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi thấp. Loại thường trồng là đậu ván leo cho leo giàn hoặc hàng rào quanh nhà.
Đậu ván được trồng lấy quả non ít xơ để xào ăn như các loại rau xào, Hoa và lá còn non có thể luộc và xào ăn. Hạt khô luộc bỏ vỏ, dùng nấu chè, làm nhân bánh ăn ngon. Có thể làm tương như Đậu nành, chế biến bột dinh dưỡng sau khi rang vàng, bỏ vỏ hay sấy ở nhiệt độ 105⁰ - 108⁰ trong 3-5 giờ.
Thành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của cây Đậu ván đã được biết:
Trong hạt Đậu ván châu Phi, người ta đã xác định được (%): Nước 14,17; tro 3,60; cellulose 13,5; lipid 1,25; dẫn xuất không protein 45,06 và protein 22,87.
So sánh với đậu cô ve thì hạt đậu ván có giá trị dinh đưỡng cao hơn.
Đâu ván, nhất là Đậu ván trắng được sử dụng làm thuốc bổ dưỡng và tăng sức tiêu hoá, giải nhiệt, giải độc, chữa trong bụng xốn xáo, nôn mửa, ỉa chảy. Dùng 20 - 30g sắc uống hoặc rán bột uống.
- Chữa bệnh mùa hè thể tả đau bụng dữ dội, nôn mửa, dùng Đậu ván trắng sao, tắn bột, uống với giấm. Hoặc dùng lá Đậu ván, lá Hương nhụ mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, chế giấm vào vắt lấy nước cốt uống hay sắc uống. Có thể dùng riêng lá Đậu ván trắng cũng được.
- Chữa yết hầu sưng đau, dùng lá tươi nhai ngậm với muối, nuốt nước.
- Chữa rắn cắn, dùng lá tươi giã nát trộn với nước vo gạo, gạn uống, lấy bã đắp.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Bạch Biển Đậu
Nhận xét
Đăng nhận xét