Tía tô hay Tử tô - Perilla frutescens (L.) Britton, thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae. Cây thảo, mọc hằng năm, đứng thẳng, cao tới 1m. Thân vuông, có rãnh dọc và có lông. Lá mọc đối, có cuống dài, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép khía răng uốn lượn, màu tím hoặc xanh tía, có lông. Hoa trắng hay tím, mọc ở đầu cành hay nách lá thành chùm... Quả bế tư, hạt hình cầu, màu nâu nhạt.
Tía tô phân bố từ Himalaya qua Trung quốc và Nhật bản. Ở nước ta, lía tô được trồng trong các vườn gia đình làm rau gia vị và làm thuốc. Chúng ta thường dùng Tía tô ăn sống với các loại rau sống như xà lách, giá... thái nhỏ nấu với cá đồng, ốc bươu, nấu với cà bung, cho vào rau muống xào… Trong cành lá Tía tô, có 0,50% tinh dầu mà thành phần chủ yếu là Perilla aldehyt (55%), limonen, alpha-pinen và dihydrocumin...
Tía tô được sử dụng nhiều làm thuốc. Lá tươi (Tô diệp) thái nhỏ với Hành ăn có tác dụng giải cảm. Làm rau ăn hằng ngày giúp tiêu hoá, giải cảm giải nhiệt. Nước cất lá tươi hoặc nước sắc lá khô dùng uống giải độc cua, cá. Lá tươi ngâm giấm uống hằng ngày vài thìa cà phê trị nhức đầu, nóng lạnh, ho khò khè. Lá Tía tô giã nát vắt lấy nước cốt uống, còn bã xát vào chỗ mẩn ngứa chữa dị ứng, nổi mẩn do ăn cua, sò hay đồ ăn tanh hoặc do tiếp xúc với nước lạnh. Lá Tía tô vò xát dùng chữa mụn cóc.
Cũng dùng phối hợp với các loại thuốc có tinh dầu khác như vẻ Quýt, Củ gấu, Gừng sống, Hành trắng để trị cảm cúm.
Cành Tía tô (Tô ngạnh) phối hợp với Sắn dây, mỗi vị 12g, sắc uống chữa động thai, thai trồi lên và nôn ọe.
Hạt Tía tô (Tô tử) cùng hạt Cải bẹ dùng trị hen suyễn và người già ho đờm mạn tính. Nước sắc hạt Tía tô dùng chữa ho, nôn mửa, đau bụng, khó tiêu. Cành lá sắc uống, xông và ngâm chân, xát vào chân chữa cước khí.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Tía Tô
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - TÍA TÔ
Xem thêm: CHỮA CẢM SỐT - Tía Tô Dại
Nhận xét
Đăng nhận xét