Dùng toàn thân cây hành Allium fistulosum L. Họ Hành Liliaceae.
Tính vị: vị cay, tính ấm.
Quy kinh: quy 2 kinh vị và phế.
Công năng chủ trị:
- Làm ra mồ hôi, dùng trong bệnh cảm hàn, sốt mà không ra mồ hôi. Dùng riêng ăn với cháo nóng, hoặc phối hợp với đậu xị, mỗi thứ 12g.
- Hoạt huyết thông dương khí; dùng trong các trường hợp huyết ứ trệ; khi cảm quá nặng dẫn đến cấm khẩu.
- Kiện vị giảm đau, dùng trong trường hợp bụng đầy trướng đau, đại tiện lỏng, thường phối hợp với can khương.
- Lợi tiểu tiện: trường hợp bí tiểu tiện, sao hành củ với cám nóng, giã giập rồi đắp ở vùng bàng quang: hoặc đối với người bệnh sau khi mổ mà bí tiêu tiện, dùng hành giã nát hoà với giấm thanh, đắp băng vùng rốn, cũng có thể sắc lấy nước mà uống.
- Cố thận, chữa di tinh: dùng hành nấu với cháo, ăn nhiều lần trong ngày.
+ Trường hợp giun chui ống mật, lấy dịch ép của hành củ, trộn đều với dầu vừng hay dầu lạc, mỗi thứ 40g. Hoặc uống dầu trước sau uống dịch ép hành.
+ Hành giã nát trộn với mật xong thành dạng hồ nhão, đắp ngoài trị bệnh viêm da có mủ (chỉ dùng ngoài).
+ Khi bị dị vật đâm vào da rồi bị gãy ở đó; nên nướng 1 củ hành cho chín, giã nát cùng với chút muối rồi băng vào chỗ dị vật. Hôm sau dị vật được hút ra.
Liều dùng: 4 - 40g
Kiêng kỵ: những người biểu hư, mồ hôi nhiều không nên dùng, không uống lẫn 2 vị hành và mật ong (tương kỵ).
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: hành xúc tiến sự phân tiết dịch men tiêu hoá. Điều đó chứng minh cho sự tác dụng kiện vị của hành.
- Tác dụng kháng khuẩn: hành có tác dụng ức chế một số vi khuẩn như trực khuẩn lỵ nhiều loại nấm ngoài da, ngoài ra còn tác dụng với khuẩn Trichomonas ở âm đạo.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Hành
Xem thêm: CÂY RAU LÀM THUỐC - HÀNH
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - HÀNH
Nhận xét
Đăng nhận xét