Gia đình thực vật Hành có nhiều loại khác nhau và mỗi loại đều có những đặc tính thực vật cũng như trị liệu tuy tương cận nhưng cũng có những khác biệt đáng chú ý. Trước đây trong 'Thuốc Nam trên Ðất Mỹ', để tóm lược chúng tôi đã trình bày Hành tây và Hành ta trong cùng một bài ngắn Thật ra còn nhiều loại Hành khác như Hành tăm, hành hoa… Riêng hành tăm, tên gọi tại Hoa Kỳ là Chives, rất dễ bị nhầm với Hẹ (Garlic chives).
Hành tăm có nguồn gốc tại Bắc Á, Bắc Âu châu, và Bắc Mỹ, đã được trồng và sử dụng từ hơn 5000 năm. Loài được trồng hiện nay rất tương cận với loài mọc hoang tại vùng núi Alpes, những giống hoang khác cũng mọc khá nhiều tại vùng Bắc Bán cầu. Tại lục địa Bắc Mỹ, Hành tăm đã được 'thích ứng hóa' để có trồng tại từ khu vực Nam Canada, xuống tới Ðông Nam California.
Người Siberia có lẽ là dân tộc mê hành tăm nhất. Truyền thuyết kể rằng khi họ nghe tin Alexander Ðại đế (356-323 trước Tây Lịch) sắp tiến đánh, và dù Alexander còn ở xa mãi hàng ngàn dặm, họ đã xin dâng cống phẩm vật quý nhất mà họ có, là hành tăm để làm quà mừng đám cưới của Alexander và Công nương Roxana. Quà cưới có vẻ rất hợp lý vì hành tăm được xem là một cây thuốc có tính kích dục!
Tên khoa học và các tên thông thường:
Allium schoenoprasum thuộc họ thực vật Alliaceae.
Các tên thường gặp: Hành trắng, Nén (Việt Nam), Chive (Anh-Mỹ), Ciboulette, Civette (Pháp), Schnittlauch (Ðức), Cebollino (Tây ban Nha).
Allium là tên latinh cũ gọi gia đình hành-tỏi; schoenoprasum phát xuất từ 2 chữ Hy lạp-schoinos có nghĩa là giống cây cói, và prason nghĩa là tỏi.
Ðặc tính thực vật:
Cây hành tăm thuộc loài thảo nhỏ, rất giống Hành hương (A.fistulosum), mọc cao trung bình10-30 cm, có thể đến 60 cm và thành bụi cỡ 30 cm. Thân hành hay củ màu trắng lớn cỡ ngón tay út, đường kính 2 cm, bao bọc bởi những vẩy dai. Lá rất nhiều, màu xanh lục đậm, mỏng. Lá và cán hoa đều hình trụ, rỗng, nhỏ như một cây tăm (do đó được gọi là hành tăm). Hoa màu đỏ-tím, mọc thành cụm hình đầu, mang nhiều hoa, có cuống ngắn. Hoa thường vô sinh nên Hành được phát triển bằng cách tách bụi. Nên cắt lá hành đều đặn: lá sẽ tiếp tục phát triển và cọng của cây vẫn mềm mại (mỗi đợt nên cắt ngắn còn chừng 10 cm, mỗi mùa hè có thể cắt tỉa 2-3 đợt) Những cây không cắt lá, cọng trở thành cứng, và khi cây bắt đầu trổ hoa, lá hành giảm bớt mùi hương.
Hành tăm thích hợp với nhiệt độ từ 60 đến 70 độ F, đất thông thoát không ứ nước, có tính acid nhẹ. Thời gian nẩy mầm từ 10 đến 14 ngày. Cây ra hoa vào các tháng 4-5.
Một số chủng đáng chú ý như:
- 'Dwarf' Cây tương đối nhỏ hơn các loại thông thường, kể cả loại nhỏ nhất tại Ðức.
- 'Forescate' (hay Forsgate) và 'Grolau' cho hoa màu hồng nhạt.
- 'Profusion': chủng đặc biệt có thể trồng trong nhà, hoa lâu tàn hơn.
Thành phần dinh dưỡng:
100 gram phần ăn được (hành tăm tươi) chứa:
Hành tăm chứa các acid amin như Alanine, Arginine, Aspartic acid, Glutamic acid, Leucine, Lysine, Phenylalanine, Threonine, Tyrosine.
Lá chứa tinh dầu gồm nhiều hợp chất loại allyl-disulfid.., acid hữu cơ như citric acid, ferulic acid, fumaric acid, caffeic acid.., sterols như campesterol, flavonoids như quecetin, quercetin-3-beta-D-glucoside..
Về phương diện dinh dưỡng và trị liệu, Hành tăm được xem là một cây rau có tính sát trùng, giúp tạo cảm giác thèm ăn (kích thích vị giác) và trợ tiêu hóa. Cũng như các cây thuộc gia đình Hành-Tỏi, tác dụng sát trùng của hành tăm do ở tinh dầu có chứa các hợp chất sulphur nhưng không mạnh để có thể gây trở ngại cho hệ tiêu hóa như tỏi. Hành tăm có tác dụng kích thích vị giác, ngăn chặn sự lên men trong ruột, bồi bổ gan và bao tử; tốt cho thận và giúp hạ huyết áp.
Vài phương thức sử dụng:
Hành tăm rất thường được dùng trong việc nấu nướng. Mùi thơm của hành tăm rất dễ bị hủy do nhiệt, do đó chỉ nên thêm hành tăm (sống) vào giai đoạn chót, trước khi ăn. Hành tăm có thể thay thế hành ta (hành lá). Có thể tồn trữ hành tăm để dùng trong mùa đông lạnh bằng cách giữ trong bao plastic, để trong freezer hay ngâm lá và hoa trong giấm. Hoa hành tăm giữ trong giấm trắng, đổi sang màu hồng nhạt rất đẹp, đồng thời có vị hành tây nhẹ rất dễ chịu.
Tuy hoa của hành tăm có thể ăn được, nhưng nên thu hái lúc hoa mới vừa hé nở, khi hoa nở hoàn toàn, sẽ có trạng thái sơ và vị nhạt mất ngon.
Phương pháp làm 'dấm hoa hành tăm': 1 pint (500 ml hoa hành mới nở/ 1 quart (1 lit) dấm trắng hay dấm rượu vang. Ðể hoa trong một keo miệng rộng. Ðổ giấm vào và quậy đều đến khi hết bọt. Giữ keo nơi thoáng mát trong 2 tuần, sau đó lược kỹ để bỏ xác hoa kể cả các mảnh vụn. Giữ dấm ở nhiệt độ thường.
Hành tăm trong Nam dược: Dược học cổ truyền Việt Nam có những phương thức dùng Hành tăm chữa bệnh khá độc đáo như:
- Trị cảm hàn: Dùng hành tăm giã nát, hòa nước uống, và lá hành tăm, bầm nát với gừng, bọc trong túi hay khăn, để 'đánh gió' bên ngoài.
- Trị trúng phong á khẩu: Giã nát chừng 20 củ hành tăm, vắt lấy nước, dùng lông gà chấm nước, thoa vào cổ..
- Trị rắn độc, sâu bọ cắn: Lấy 7 củ hành tăm, nhai nuốt nước, lấy bã đắp vào vết cắn trong khi chờ cấp cứu.
Tài liệu sử dụng:
- The Herb Companion Feb/Mar 1997.
- Whole Foods Companion (Dianne Onstad).
- Herbs, An Illustrated Encyclopedia (Kathi Keville).
Bài viết trích từ nguồn: Tự Điển Thảo Mộc Dược Học - DS. Trần Việt Hưng
Nhận xét
Đăng nhận xét