Dùng bộ phận trên mặt đất của cây Houttuynia cordata Thunb. Họ lá giấp Saururaceae.
Tính vị: vị cay chua, tính hàn.
Công năng chủ trị:
- Thanh nhiệt giải độc, tiêu ung thũng; dùng trong các trường hợp phế nhiệt, phế ung, phế có mủ (các trường hợp viêm phổi, áp xe phổi...), viêm khí quản, lao, ho ra máu; dùng ngư tinh thảo tươi 50g, giã, vắt lấy nước cốt, uống. Hoặc phối hợp với hoàng cầm, huyền sâm hoặc dùng chữa mụn nhọt, tắc tia sữa.
- Thanh thấp nhiệt đại tràng. Trường hợp tiết tả lỵ, thoát giang (lòi dom). Riêng trường hợp lòi dom, còn dùng lá giã nát rồi đắp vào, hoặc xông rửa dom.
- Thanh nhiệt giáng hoả, dùng trong các trường hợp sốt cao do viêm họng, hoặc các nguyên nhân khác, hoặc sốt rét.
- Thanh thấp nhiệt bàng quang: dùng khi viêm bàng quang, dẫn đến bí tiểu tiện, phối hợp với mã đề, râu ngô, bạch mao căn. Trường hợp sỏi đường tiết niệu, dẫn đến bí tiêu tiện, có thế dùng ngư tinh thảo 40g, sa tiền tử 20g, kim tiền thảo 40g. Đối với những cơ thể đã quen thuốc kháng sinh, dùng trong ngư tinh thảo có hiệu quả.
- Thanh can sáng mắt: dùng trong trường hợp đau mắt đỏ, mắt có nhiều dử, mắt bị viêm nhiễm; đặc biệt bị viêm nhiễm do vi khuẩn mủ xanh. Dùng lá tươi uống trong và đắp ngoài.
Liều dùng: 12 - 20g, tươi 50 - 100g.
Chú ý:
- Tác dụng dược lý: thành phần quexetin và muối kali của ngư tinh thảo có tác dụng lợi niệu.
- Tác dụng kháng khuẩn: dịch ép lá tươi của ngư tinh thảo có tác dụng ức chế tụ cầu vàng. Nước sắc 1: 1 ức chế vi khuẩn viêm phổi, liên cầu khuẩn tan huyết, trực khuẩn biến hình, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh.
Phạm Xuân Binh và Cao Văn Thu đã nghiên cứu dịch chiết trong cồn của diếp cá tươi và khô, thấy có tác dụng ức chế 5 chủng Gram (+); đó là Baccilus, B. subtilis, Sarcina lutea, Staphylococcus aureus, streptococcus và 6 chủng Gram (-): Echrichia coli, Proteus mirabilis, Salmonella typhi, Shigeella flexneri, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella Pneumoniae. Ngoài ra bằng thực nghiệm Lê Khánh Trai xác định ngư tinh thảo có tác dụng chữa rắn cắn.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Diếp Cá
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - GIẤP CÁ
Nhận xét
Đăng nhận xét