Dùng thân rễ phơi khô qua chế biến của các loại thạch xương bồ và thuỷ xương bồ.
Dùng thân rễ của hai loại thạch xương bồ lá to - Acorus gramineus Soland. bar. macrospadiceus (A. tatarinowii Schott)
Thạch xương bồ lá nhỏ - Acorus gramineus var. variegatus Hort. Thạch xương bồ lá nhỏ, dùng lá - Acorus grimineus var. pusillus Sieb, Thân rễ của cây thuỷ xương bồ - Acorus calamus L. var. angustatus Bess, Họ Ráy – Araceae.
Tính vị: vị cay, tính ấm.
Quy kinh: vào 3 kinh tâm, tỳ, kiện, can.
Công năng chủ trị:
- Khai khiếu tinh thần, dùng khi thần chí bị hôn mê đàm dãi nút lại cổ họng, trúng phong cấm khẩu, trúng thử (say nắng), có thể phối hợp với tạo giác, băng phiến, có thể uống trong hoặc dùng dưới dạng bột mịn thổi vào mũi. Trường hợp phong trúng tạng phủ, có thể dùng thạch xương bồ 50g, ngải cứu tươi 500g, bán hạ chế 100g, thần sa (thủy phi) 4g, mỗi lần uống 12g, cách 3 giờ uống một lần. Ba loại thuốc trên đem sắc, mỗi lần hóa với thần sa.
- Thông phế khí, trừ ho, hoá đàm, bình suyễn: dùng trong các trường hợp ho hen, viêm phế quản mạn tính, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với bán hạ, trần bì.
- Hành khí giảm đau: dùng khi bị cảm lạnh, bụng đau, đầy trướng, thạch xương bồ 8g, hương phụ 16g, mộc hương 8g, sắc uống.
- Kiện vị: chữa đau dạ dày, viêm loét tá tràng, dùng thuỷ xương bồ dưới dạng bột hoặc dưới dạng thuốc sắc, phối hợp với bạch truật, cam thảo. Ngoài ra còn dùng dưới hình thức thuốc khai vị, kích thích tiêu hoá, đồng thời trừ được những cảm giác nôn lợm.
- Ninh tâm, an thần: dùng trong trường hợp tâm quý (tâm đập nhanh, loạn nhịp), tâm hồi hộp, mất ngủ, buồn phiền, dùng thuỷ xương bồ dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng thuốc ngâm rượu, có thể tẩm với chu sa đã qua thuỷ phi thì hiệu quả tăng lên.
- Cố thận: làm thận khí khai thông ra tai; dùng trong trường hợp thận khí kém, dẫn đến ù tai, tai điếc có thể dùng thuỷ xương bồ kết với các thuốc bổ thận khác như cẩu tích, ngũ vị tử, phá cố chi ...
Liều dùng: 4 - 8g.
Kiêng kỵ: những người huyết hư ra nhiều mồ hôi, hoạt tinh không nên dùng.
Chú ý:
- Ngoài các loại xương bồ nói trên, nhân dân ta còn dùng lá thạch xương bồ lá nhỏ - Acorus gramineus var pusillus để chữa cảm mạo và ho hen, ngạt mũi khó thở cho trẻ em.
- Lá thạch xương bồ, thủy xương bồ làm thuốc xông cảm cúm, trừ bọ chó, rệp, gội đầu..
- Tác dụng dược lý: Phạm Xuân Sinh và cộng sự thấy rằng nước sắc và tinh dầu thạch xương bồ lá to có tác dụng chống ho, trừ đàm, bình suyễn. Dạng chiết cồn và tinh dầu thuỷ xương bồ có tác dụng điều hoà loạn nhịp tim thỏ, sau khi gây loạn nhịp bằng dung dịch BaCl₂. Tinh dầu thuỷ xương bồ còn có tác dụng giảm hoạt động tự phát đối với chuột. Tác dụng hiệp đồng đối với thuốc ngủ barbital làm giấc ngủ của chuột sâu hơn và dài hơn.
- Tác dụng kháng khuẩn: tinh dầu thạch xương bồ có tác dụng ức chế một số vi khuẩn Staphylococcus-aureus, pyocyaneum, Sal. typhi, Sh. flexneri, Coli. pathogen.
Trích nguồn từ sách: "DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN"
của TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI,
Bộ môn DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN, NXB Y HỌC
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Xương Bồ
Nhận xét
Đăng nhận xét