Tên khoa học Momordica grosvenori Swingle.
Thuộc họ Bí Cucurbitaceae.
A. Mô tả cây
La hán còn có tên Quang quả mộc miết (gấc vỏ nhẵn) là một cây mọc leo, hoa đực mọc thành bông, phiến hoa bao nhỏ. Quả có vỏ cứng nhỏ, đường kính 4-6cm, hình cầu hay hơi trái xoan. Trong cành, lá, hoa và hạt ruột có cơm màu nâu nhạt, mùi thơm đặc trưng (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây la hán cho đến nay vẫn chưa phát hiện ở nước ta, mặc dầu theo tài liệu kèm theo mặt hàng “La hán quả xử tễ” (Thức uống chế từ quả la hán) có giới thiệu đây là một cây đặc sản của vùng Quế Lâm (thuộc tỉnh Quảng Tây), Quảng Đông, Giang Tây là những tỉnh Trung Quốc giáp giới với nước ta. Tài liệu nói về cây này cũng rất hiếm. Chúng ta biết được cây này nhờ mặt hàng “La hán quả xử tễ” dịch sang tiếng Anh là Lo han kou beverage, trong đó lo han kou là phiên âm tiên la hán quả - tiếng Trung Quốc, kèm theo beverage là thức uống. Mặt hàng này được bán sang ta dưới dạng hộp giấy khổ 9x17x2cm, trong hộp này có 12 hộp nhỏ khổ 3x4x2cm. Một số rất ít la hán quả được bán sang ta dưới dạng quà khô, nhưng vì cồng kềnh, dễ vỡ, giá đắt nên rất ít.
C. Thành phần hóa học
Mới chỉ biết trong thịt quả có hàm lượng glucoza thiên nhiên rất cao. Hoạt chất khác chưa rõ.
D. Công dụng và liều dùng
Theo đơn giới thiệu kèm theo mặt hàng nói trên thì la hán quả được dùng theo kinh nghiệm lâu đời của những dân tộc vùng Quế Lâm (Quảng Tây) từ hơn 200 năm, uống vào có tác dụng chữa sốt, dịu cổ họng, long đờm, chữa ho, dùng cho cả nam, lẫn nữ, người già cũng như trẻ, có thể uống quanh năm. Viên la hán quả hình chữ nhật được chế từ dịch chiết la hán quả pha thêm 5% đường mía tốt. Mỗi lần dùng pha một viên này vào 100ml nước, đun sôi. Khuấy tan mà uống. Ngày uống 2 hay 3 viên.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét