Xuất Xứ: Thần Nông Bản Thảo.
Tên Khác:
Khổ Cốt (Bản Thảo Cương Mục), Bạch Hành, Bạt Ma, Cầm Hành, Dã Hòe, Địa Cốt, Địa Hòe, Đồ Hòe, Hổ Ma, Khổ Quyển Biển Phủ, Khổ Tân, Khổ Thức, Kiêu Hòe, Lăng Lang, Lộc Bạch, Lục Bạch, Thỏ Hòe, Thủy Hòe (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển), Xuyên sâm (Quán Châu Dân Gian Phương Dược Tập), Phượng tinh trảo (Quảng Tây Trung Đơn Y Dược Thực), Ngưu sâm (Hồ Nam Dược Vật Chí), Địa sâm (Tân Hoa Bản Thảo Cương Yếu).
Tên Khoa Học: Croton tonikensis Gagnep.
Họ Khoa Học: Họ Thầu Dầu (Euphorbiaceae).
Mô Tả:
Cây nhỏ, cao 0,72m. Lá mọc so le nhưng gần như đối nhau, có khi mọc thành từng vòng giả 3-4 lá. Phiến dài hình mũi mác, mép nguyên, cả 2 mặt lá đều có nhiều lông tỏa tròn óng ánh. Khi phơi khô, mặt dưới lá có mầu trắng bạc, mặt trên lá có mầu đen. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, hoa lưỡng tính hoặc đơn tính. Hoa đực có 5 lá đài, 1-2 nhị, hoa cái cũng có 5 lá đài, 3 vòi nhụy. Quả gồm 3 mảnh vỏ, mầu hung đỏ, có lông trắng. Hạt hình trứng, có mỏ, màu nâu hung. Mùa hoa quả: tháng 5-8.
Khổ sâm là rễ khô của cây Khổ sâm.
Địa Lý:
Được trồng khắp nơi ở Trung Quốc, tại Việt Nam hiện nay còn phải nhập.
Thu Hái, Sơ Chế: Mùa xuân, thu đào hái về, cắt bỏ đầu rễ và rễ to, rửa sạch đất, phơi khô hoặc cắt thành từng miếng dày độ 0,3 – 1cm, phơi khô là được.
Bộ Phận Dùng: Lá thu hái khi cây đang có hoa, phơi khô.
Mô Tả Dược Liệu:
Khổ Sâm hình trụ tròn dài, trên to, dưới nhỏ, thường chia thành trục, dài 10-33cm, đường kính 1-2cm. Bên ngoài là lớp vỏ mỏng, mầu vàng nâu, thường bị nứt cuộn ra phía ngoài, dễ bóc, chỗ bị bóc vỏ mầu vàng bóng, hơi sáng, nhìn rõ vân dọc. Khổ sâm bán trên thương trường là miếng dầy hình tròn hoặc bầu dục, dầy 0,3-1cm, phần vỏ chỗ mặt cắt ngang và phần gỗ trung tâm phân từng tầng rất rõ, phần gỗ có vòng tròn rất rõ, đa số hình thành 2-4 lớp vân vòng, vân nhỏ hình hoa cúc. Loại rễ to khá già, thường có kẽ nứt. Chất cứng, khó bẻ gẫy, mặt gẫy mầu trắng vàng, ở giữa nhạt hơn, không mùi, vị đắng rất lâu. Loại củ dài, vỏ nhỏ, mịn, không còn đầu rễ, không có rễ tơ là loại tốt. Miếng Khổ sâm mầu trắng vàng, nguyên vẹn là loại tốt (Dược Tài Học).
Bào Chế:
+ Dùng nước vo gạo đặc của gạo nếp ngâm 1 đêm, mùi tanh hôi nổi trên mặt nước, phải đãi lại rồi hấp 1/2 ngày, lấy ra phơi khô, thái để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Cắt bỏ đầu rễ, rửa sạch, ngâm nước, vớt ra, sau khi thấm ẩm đều, cắt thành từng miếng, phơi khô là được (Dược Tài Học).
Bảo Quản: Dễ mốc, mọt. Cần để nơi khô ráo, kín.
Thành phần hóa học:
+Trong Khổ sâm có d-Matrine, d-Oxymatrine, d-Sophoranol, 5-Hydroxymatrine, I- Anagyrine, l-Methylcystisine, Ibaptifoline, I-Sophocarpine, Xanthohumol, Isoxanthohumol, 3, 4, 5-Trihydroxy, 7-Methoxy, 8-Isopentenylflavone, 8-Isopentenyl Kaemferol (Trung Dược Học).
+ d-Matrine, d-Oxy, d-Sphoranol, Matrine, 5-Hydroxymatrine, l-Anagyrine, l- Methyleycarpine, Xanthohumol (Chinese Hebral Medicine).
+ Rễ và lá có Luteolin-7-Glucoside (Chinese Hebral Medicine).
+Trong lá có các nhóm chất Flavonoid, Alcaloid và Tanin. Hàm lượng Alcaloid toàn phần là 0,310,33% (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Matrine, Oxymatrine, N-Oxysophocarpine, Sophoridine (Bạch Tiết Giáng, Trung Thảo Dược Thông Báo, 1982, 13 (4): 8).
+ Kushenin (W L J và cộng sự, Chem Pharm Bull 1985, 33 (8): 3231).
+ Kuraridinol, Kurarinol, Neokurarinol, Norkurarinol, Isokurarinone, formononetin (Kyogoku K và cộng sự, Chem Pharm Bull, 1973, 21 (12): 2733).
Tác Dụng Dược Lý:
+Tác Dụng Chống Nấm: nước sắc Khổ sâm trong thực nghiệm có tác dụng kháng 1 số nấm ngoài da (Trung Dược Học).
+Tác Dụng Kháng Sinh: Khổ sâm có tác dụng kháng sinh đối với trực khuẩn lỵ đồng thời có tác dụng kháng lỵ amip, làm cho đơn bào co thành kén (Trung Dược Học).
+Tác Dụng Đối Với Ký Sinh Trùng Sốt Rét: nước sắc của bài thuốc gồm Khổ sâm và vỏ Bưởi có tác dụng ức chế ký sinh trùng sốt rét mạnh trên động vật thí nghiệm được gây nhiễm sốt rét, nhưng tái phát trong thời gian 10 ngày theo dõi. Trên mô hình thực nghiệm chuột nhắt nhiễm Plasmodium Berghei và gà nhiễm Plasmodium Gallinaceum, Alcaloid chiết xuất từ Khổ sâm không thể hiện rõ tác dụng.
1 bài thuốc khác gồm lá Khổ sâm và vỏ Bưởi đào dưới dạng nước sắc và xi rô đã được thử nghiệm trên 59 bệnh nhân sốt rét và thấy thuốc có tác dụng hạ sốt, làm giảm mật độ ký sinh trùng ở bệnh nhân nhưng tác dụng yếu, không rõ rệt, đồng thời không có tác dụng phụ (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Tác dụng lợi niệu: Cho thỏ uống hoặc chích dịch Khổ sâm thấy có tác dụng lợi niệu (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc Khổ sâm có tác dụng ức chế đối với Staphylococus aureus, lỵ trực khuẩn, trùng Amip (Trung Dược Học).
+ Tác dụng kháng ung thư: Khổ sâm có tác dụng ức chế S180 nơi chuột nhắt. Lâm sàng cho thấy Khổ sâm có hiệu quả nhất định đối với ung thư ở cổ, dạ dày, gan (Trung Dược Học).
+ Chích dịch Khổ sâm vào thỏ nhà thấy có tác dụng tê liệt trung khu thần kinh, gây nên co giật, ngưng hô hấp và tử vong (Trung Dược Học).
+Bài thuốc gồm Khổ sâm và 3 vị thuốc khác dưới dạng nước sắc để rửa âm đạo trong điều trị sa sinh dục, phối hợp với bài thuốc uống và bài thuốc đặt ở âm đạo, đạt kết quả khá tốt (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Tính Vị:
+ Vị đắng, tính hàn (Bản Kinh).
+ Không độc (Danh Y Biệt Lục).
+ Vị rất đắng, tính rất hàn (Bản Thảo Tùng Tân).
+ Vị đắng, tính hàn (Trung Dược Đại Từ Điển).
+Vị đắng, tính hàn, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+Vị đắng, tính lạnh (Trung Dược Học).
+Vị đắng, tính hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Quy Kinh:
+ Vào Thiếu âm Thận (Trân Châu Nang).
+ Vào kinh Vị, Đại trường, Can, Thận (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
+ Vào kinh Tâm, Phế, Thận, Đại trường (Bản Thảo Tân Biên).
+ Vào kinh Can, Thận, Đại trường, Tiểu trường (Trung Dược Đại Từ Điển).
+Vào kinh Can, Thận, Đại trường, Tiểu trường (Trung Dược Học).
+Vào kinh Tâm, Thận, Tỳ (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tác Dụng
+ Trục thủy, trừ ung thủng, bổ trung, minh mục, chỉ lệ (Bản Kinh).
+ Dưỡng Can Đởm khí, an ngũ tạng, định chí, ích tinh, lợi cửu khiếu, trừ phục nhiệt trường tích, chỉ khát, tỉnh rượu (Danh Y Biệt Lục).
+ Thanh nhiệt, táo thấp, sát trùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
+Trừ thấp nhiệt, khứ phong, chỉ dưỡng (Trung Dược Học).
+Thanh hỏa, giải độc, sát trùng, khử thấp (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Chủ Trị: Trị lỵ ra máu, ghẻ lở, hắc lào, nhọt độc (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Liều Dùng: 6 - 30g.
Kiêng Kỵ:
+ Tỳ vị hư hàn: không dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Huyền sâm làm sứ cho nó, kỵ Bối mẫu, Thỏ ty tử; Phản Lê lô (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
+ Uống lâu ngày sẽ làm tổn thường Thận khí, tạng Can (Bản Thảo Kinh Sơ).
+ Thận hư mà không sốt cao: không nên dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).
+Người Can Thận hư yếu mà không có chứng nóng: không nên dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+Tỳ Vị hư hàn: không dùng (Trung Dược Học).
+Thận hư mà không có thấp nhiệt: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Đơn Thuốc Kinh Nghiệm:
+ Trị Tâm và Phế tích nhiệt, Thận có phong độc tấn công làm cho ngoài da, khủy tay bị ngứa, lở loét, chảy nước vàng: Khổ sâm 32 lạng, Kinh giới (bỏ cành) 16 lạng. Tán bột. Trộn với nước hồ làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 30 viên với nước trà hoặc nước sắc Kinh giới, sau bữa ăn (Khổ Sâm Hoàn – Hòa Tễ Cục phương).
+ Trị mặt ngứa như kim đâm: Khổ sâm 640g, Xích thược, Đông qua tử đều 160g, Huyền sâm 80g. Tán bột. Mỗi lần dùng 4g xoa vào mặt (Phổ Tế phương).
+ Trị bạch điến phong: Khổ sâm 2,8kg, Lộ phòng phong [tổ ong] 150g, Thích vị bì 1 cái. Thái thuốc ra thành phiến, nấu với 3 đấu nước còn 1 đấu, bỏ bă, chỉ lấy nước cốt. Cho thêm 5 cân rượu vào, 3 đấu nếp. Nấu thành rượu, mỗi lần uống 1 – 2 ly nhỏ, trước bữa ăn, uống ấm (Bạch Điến Phong Tửu – Thế Y Đắc Hiệu phương).
+ Trị mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, đới hạ có màu đỏ, đục: Khổ sâm + Mẫu lệ phấn. Tán bột. Lấy 1 dạ dày heo đực, cho 3 chén nước vào hầm thật nhừ, giã nát, trộn với thuốc bột làm viên như hạt bắp, uống với rượu ấm (Trư Đỗ Hoàn - Lưu Tùng Thạch Phương).
+ Trị âm đạo lở ngứa: Khổ sâm, Phòng phong, Lộ phong phòng, Chích thảo. Lượng bằng nhau, sắc lấy nước rửa (Tẩy Độc Thang – Chứng Trị Chuẩn Thằng).
+ Trị lỵ ra máu không cầm: Khổ sâm, sao với Tiêu, tán nhuyễn. Tẩm với nước làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. mỗi lần uống 15 viên với nước cơm (Nhân Tồn Đường Kinh Nghiệm phương).
+ Trị dạ dầy đau: Lá khổ sâm 12g, Lá khôi 50g, Lá bồ công anh 20g. Nước 600ml. Sắc đặc còn chừng 200ml, chia làm 2-3 lần uống trong ngày. Uống liên tục 10 ngày, nghỉ 3 ngày. Rồi lại uống tiếp cho đến khi khỏi (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trị khắp mình nổi mẩn ngứa: lá Khổ sâm + lá Trầu không + lá Đắng cay nấu lấy nước xông và tắm rửa (Trồng Hái Và Dùng Cây Thuốc).
+ Trị bụng đau không rõ nguyên nhân: Nhai mấy lá Khổ sâm tươi với muối (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Trị lỵ cấp tính, tiêu chảy: Lá Khổ sâm + lá Phèn Đen, mỗi thứ 1 nắm (20g), sắc uống (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Trị lỵ cấp tính, tiêu chảy: Khổ sâm, Rau sam, Cỏ sữa, Cỏ nhọ nồi, Lá mơ lông, mỗi vị 10g, sắc uống (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Trị lỵ cấp tính, tiêu chảy: Khổ sâm 16g, Hương phụ 10g, Củ sả 6g, Vỏ quít 6g, Gừng 3 lát, sắc uống (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Trị vẩy nến: Khổ Sâm 15g, Huyền sâm 15g, Kim ngân 15g, Sinh địa 15g, Thương nhĩ tử 15g. Tán bột, làm viên. Ngày uống 20-25g (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Trị tử cung sa: Khổ sâm 10g, Phèn phi 25g, Bồ công anh 10g, Thổ phục linh 10g. Sắc lấy nước rửa âm đạo, cách ngày làm 1 lần (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Tham Khảo:
+ Huyền sâm làm sứ cho Khổ sâm. Khổ sâm ghét Bối mẫu, Thỏ ty tử, Lậu lô. Khổ sâm rất kỵ Lê lô, uống lẫn 2 thứ có thể gây chết (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).
+ Khổ sâm tuy đặt tên có chữ sâm nhưng không có tính bổ. Nha đảm tử là Khổ trân tử nhưng người ta đa số cứ lầm là hạt Khổ sâm. Khổ sâm với Hoàng liên đều là thuốc có vị đắng, tính hàn, có tác dụng tả hỏa. Khí vị của Hoàng liên thanh, trừ Tâm hỏa là chính. Khí của Khổ sâm trọc, trừ hỏa ở Tiểu trường là chính (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Khổ sâm và Tần bì đều là những vị thuốc thanh nhiệt, táo thấp, trị kiết lỵ. Nhưng Khổ sâm khí vị đều trọc, thanh nhiệt và táo thấp mạnh hơn, lại có công dụng thông khí kết ở ngực và bụng, lợi huyết mạch, khứ phong, sát trùng. Trong điều trị thường được dùng trị bệnh ở tạng Tâm, Can, Vị, Đại trường, Bàng quang. Còn Tần bì có tác dụng Thanh nhiệt, táo thấp, yếu hơn Khổ sâm. Tần bì có tác dụng thanh Can, minh mục, tính của nó thu sáp, chỉ băng, giỏi về chỉ tả, bình suyễn, chỉ khái (Trung Dược Lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê).
Trích nguồn: SỔ TAY CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC ĐÔNG Y
Do Lê Đình Sáng - Trường Đại học Y Khoa Hà Nội sưu tầm
Nhận xét
Đăng nhận xét