Chuyển đến nội dung chính

SỔ TAY CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC ĐÔNG Y - TRẦN BÌ

SỔ TAY CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC ĐÔNG Y - TRẦN BÌ

Xuất xứ: Thực Liệu Bản Thảo.

Tên khoa học: Citrus deliciosa Tenore.

Họ khoa học: Họ Cam (Rutaceae).

Mô Tả:

Cây nhỏ, thân cành có gai. Lá đơn mọc so le, mép khía răng cưa, vỏ có mùi thơm đặc biệt. Hoa nhỏ có màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả hình cầu, hơi dẹt, màu vàng cam hay vàng đỏ. Vỏ mỏng nhẵn hay hơi sần sùi, dễ bóc. Mùi thơm ngon, nhiều hạt.

Trồng ở khắp các tỉnh miền Bắc và miền Nam nước ta. Nhiều nhất tại các tỉnh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Cao Lạng.

Dùng vỏ quả và lá; vỏ quả để khô thường gọi là Trần bì.

Thu hái: Thu hái quả tháng 11-1 năm sau.

Bộ phận thường dùng: Vỏ quả chín khô (Pericrpium Citri Reticlatae).

Mô tả dược liệu:

+ Trần bì: Thường cắt thành 4 miếng, mỗi miếng phần nhiều là hình bầu dục, chỗ cuống quả liền lại, có lúc miếng vỏ tách rời ra hoặc thành xiên méo. Mặt ngoài mầu vàng đỏ hoặc nâu đỏ, có đường nhăn và điểm lõm nhỏ hình tròn, đem ra ánh sáng thấy có điểm lõm nhỏ nhưng không rõ lắm. Mềm nhưng khô thì dòn, dễ bẻ gẫy, chỗ gẫy không bằng phẳng. Mùi thơm, vị hơi ngọt sau đó thấy đắng, cay (Dược Tài Học).

+ Quảng Trần Bì: Thường bóc thành 5 miếng, hoặc xé rời từng miếng. Mặt ngoài mầu tía nâu hoặc nâu hồng nhạt, nhiều đường nhăn, có điểm lõm hình tròn, đưa ra sáng thấy hơi thấu sang. Mặt trong mầu vàng trắng ngà, lồi lõm, có những gân xơ không đều, cũng có điểm nhỏ lõm xuống. Mềm nhũn, khó bẻ gẫy, chỗ gẫy không bằng (Dược Tài Học).

Bào chế:

- Rửa sạch, phơi khô, thái nhỏ, dùng sống hoặc sao, càng để lâu càng tốt (Đông Dược Học Thiết Yếu).

- Rửa sạch (không rửa lâu), lau, cạo sạch phía trong, thái nhỏ, phơi nắng vừa cho khô. Sao nhẹ lửa để dùng (trị nôn, dạ dầy đau). Có khi tẩm mật ong hoặc muới, sao qua để dùng [trị ho] (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Bảo quản: Để nơi khô ráo, tránh nóng ẩm.

Thành phần hóa học:

+ Limonene, b-Myrcene, Piene, a-Terpinene, a-Thujene, Sabinene, Octanal, a-Phellandrene, p-Cymene, a-Ocimene, g-Terpinene, Terpinolene, Linalool, 3,7-Dimenthyl-7-Octenal, 4- Terpineol, a-Terpineol, Decanal, Citronellol, 4-1, 1-Dimenthylrthyl-Benzenemethanol, Perillaldehyde, Carvacrol, a-Farnesene, Benzyl alcohol, Nerol, Octanol, Thymol, Citronella, Sabinene hydrate (lưu Văn Tù, Trung Dược Tài 1991, 14 (3): 33).

+ b-Sistosterol, Limonin, Ferulic acid, 5, 5‘-Oxydimethylene-bis (2-Furaldehyde) (Iimuma M và cộng sự, Chem Phar Bull 1980, 28 (3): 717).

+ Hesperidin, Neohesperidin, Citromitin (Chaliha B R và cộng sự C A, 1967, 66: 5534e).

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng đối với cơ trơn của dạ dày và ruột: Tinh dầu Trần bì có tác dụng kích thích nhẹ đối với đường tiêu hóa, giúp cho ruột bài khí tích trệ ra ngoài dễ dàng, tăng tiết dịch vị, có lợi cho tiêu hóa, có tác dụng làm giãn cơ trơn của dạ dày và ruột (Trung Dược Học).

+ Tác dụng khu đàm, bình suyễn: Thuốc kích thích niêm mạc đường hô hấp, làm tăng dịch tiết, làm loãng đờ, dễ khạc ra. Xuyên trần bì làm giãn phế quản, hạ cơn hen. Dịch cồn chiết xuất Quất bì với nồng độ 0,02g (thuốc sống) /ml hoàn toàn ngăn chậ được cơn co thắt phế quản chuột lang do Histamin gây nên (Trung Dược Học).

+ Tác dụng kháng viêm, chống loét: Thành phần Humulene và a-Humulenol acetat có tác dụng như Vitamin P. Chích Humuiene vào ổ bụng chuột nhắt với liều 170 - 250mg/kg, có tác dụng làm giảm tính thấm thấu của mạch máu do Lecithin dung huyết làm tăng.Chích 10mg Humulene vào ổ bụng một con chuột nhắt cũng có tác dụng kháng Histamin, gây tính thẩm thấu của thành mạch. Chất a-Humulenol acetat có tác dụng chống loét rõ và làm giảm tiết dịch vị trên mô hình gây loét dạ dày bằng cách thắt môn vị (Trung Dược Học).

+ Tác dụng đối với hệ tim mạch: nước sắc Trần bì tươl và dịch Trần bì chiết cồn với liều bình thường có tác dụng hưng phấn tim, liều lượng lớn có tác dụng ức chế, nếu chích thuốc nhanh vào tĩnh mạch thỏ và chó, huyết áp tăng cao, nhưng bơm vào dạ dày thì không có tác dụng đó (Trung Dược Học).

+ Tác dụng kháng khuẩn: Quảng trần bì trong ống nghiệm, có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của tụ cầu khuẩn, trực khuẩn dung huyết, ái huyết (Trung Dược Học).

Ngoài ra, Trần bì còn có tác dụng chống dị ứng, lợi mật, ức chế cơ trơn của tử cung (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Tính vị:

+ Vị cay, tính ôn (Bản Kinh).

+ Không độc (Biệt Lục).

+ Vị cay đắng, tính ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh:

+ Vào kinh Phế, Can, Tỳ, Vị (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

+ Vào kinh Tỳ, Đại trường (Bản Thảo Cầu Chân).

+ Vào kinh Tỳ, Phế, Vị (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tác dụng:

+ Hành thủ thái âm, túc thái âm kinh (Bản Thảo Phẩm Hội Tinh Yếu).

+ Hạ khí, chỉ ẩu, chỉ khái, trừ bàng quang lưu nhiệt, đình thủy ngũ lâm, lợi tiểu tiện. Chủ tỳ bất năng tiêu cốc, khí xung hung trung, thống hịch hoắc loạn, chỉ tả, khử thốn bạch trùng (Biệt Lục).

+ Trần bì, khí thực đờm trệ tất dụng (Cảnh Nhạc Toàn Thư).

+ Giải tửu độc (Thang Dịch Bản Thảo).

+ Lợi Phế khí (Trân Châu Nang).

+ Bạch đàn làm sứ cho nó (Thang Dịch Bản Thảo).

+ Hợp với Bạch truật bổ Tỳ Vị; Hợp với Cam thảo bổ Phế khí (Phẩm Hối Tinh Yếu).

+ Lý khí, kiện tỳ, táo thấp, hóa đờm (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liều dùng: 4 – 12g.

Kiêng kỵ:

. Thực nhiệt, khí hư, ho khan do âm hư, thổ huyết: kiêng dùng (Trung Dược Học).

. Không có thấp, không có đờm, không ứ trệ: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị tiêu chảy: Trần bì, Cam thảo, Thương truật, Hậu phác, lượng bằng nhau, tán bột, trộn đều, mỗi lần uống 4 - 6g, ngày uống 2-3 lần, hoặc sắc uống (Bình Vị Tán - Hòa Tễ Cục phương).

+ Trị ho có đờm (do cảm hàn), ho do họng viêm, phế quản viêm: Bạch linh 12g, Trần bì 6g, Khương bán hạ 6g, Cam thảo 4g, Gừng tươi 2 lát, sắc uống (Nhị Trần Thang - Hòa Tễ Cục phương).

+ Trị tiêu hóa rối loạn, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng:: Đảng sâm 8g, Bạch truật 8g, Bạch linh 8g, Chích thảùo 4g, Trần bì 6g, sắc uống hoặc làm thuốc hoàn tán (Dị Công Tán - Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết).

+ Trị nguyên khí suy yếu, ăn uống không tiêu hoặc tạng phủ không điều hòa, dưới tim có hòn khối: Quất bì, Chỉ thực (sao với trấu cho vàng) đều 40g, Bạch truật 80g. tán nhuyễn. Lấy Lá sen gói thuốc lại, làm thành viên, to bằng hạt đậu xanh lớn. mỗi lần uống 50 viên (Quất Bì Chỉ Truật Hoàn – Lan Thất Bí Tàng).

+ Trị tiêu chảy kèm bụng sôi, bụng đau: Bạch truật (thổ sao) 12g, Phòng phong (sao) 8g, Bạch thược (sao) 8g, Trần bì (sao) 6g. Tán bột, mỗi lần uống 4- 6g, ngày 2-3 lần, hoặc sắc uống (Thống Tả Yếu phương - Cảnh Nhạc Toàn Thư).

+ Trị trẻ nhỏ bị chứng Tỳ cam, tiêu chảy: Quất bì40g, Thanh bì, Kha tử nhục, Chích thảo đều 20g. Tán bột, mỗi lần dùng 8g, sắc với 1 chén nước còn 6 phân, uống ấm trước bữa ăn (Ích Hoàng Tán – Ấu Khoa Loại Túy).

+ Trị tiêu chảy: Quất bì 12g, Sinh khương 8g, sắc uống (Quất Bì Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị ho do họng viêm, phế quản viêm nhẹ: Trần bì 6g, Cát cánh 6g, Tô diệp 6g, Cam thảo 4g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị tuyến vú viêm cấp: Hàn Thiệu Minh dùng mỗi ngày Trần bì 30g, Cam thảùo 6g, sắc uống. Trị 88 ca, kết quả: khỏi 85 ca (Trung Hoa Ngoại Khoa Tạp Chí 1959, 4: 326).

+ Trị phế quản viêm mạn, ho nhiều đàm: Trấn Lương Hoa dùng Trần bì 6g, Bán hạ 6g, Bạch linh 10g, Đương qui 20g, Cam thảo 6g, Gừng 3 lát, tùy chứng gia giảm. Trị 33 ca, kết quả tốt 17 ca, đỡ nhiều 14 ca, không kết quả 2 ca (Triết Giang Trung Y Tạp Chí 1985, 1: 1 8).

Tham khảo:

+ Quất bì vị đắng, năng tả, năng táo. Vị cay thì năng tán, ôn thì năng hòa, Điều trị bách bệnh đều do tác dụng lý khí, táo thấp. Đồng bổ dược tắc bổ, đồng tả dượïc tắc tả, đồng thăng dược tắc thăng, đồng giáng dược tắc giáng (Bản Thảo Cương Mục).

+ Quất bì là vị thuốc quí để lý khí, trong những trường hợp hoắc loạn, nôn mửa, khí nghịch, tiêu chảy không lợi, là khí hàn, quan cách, trung mãn, là khí bế, thực tích đàm diên (nước dãi), là khí trệ, thất tình, chí uất, là khí kết đều có thể dùng Quất bì để trị. Quất bì bỏ lớp xơ trắng thì có tác dụng hóa đàm, để lớp trắng thì có tác dụng hòa tỳ. Trần bì vị cay, thiên về tán nên có tác dụng khai khí. Vị đắng thiên về tả nên hành đàm. Khí của thuốc ôn bình, thiên về thông đạt vì vậy có tác dụng chỉ ẩu, chỉ khái, kiện Vị, hòa Tỳ (Bản Thảo Hối Ngôn).

+ Trần bì chữa ở phần bên trên, Thanh bì chữa ở phần bên dưới… Nếu để xơ trắng thì bổ Vị, điều hòa trung tiêu mà giúp Tỳ khí; Bỏ xơ trắng đi thì tiêu đờm, lợi trệ mà trị Phế, Tỳ, là mẹ đẻ ra nguyên khí… Trần bì có tác dụng ôn được, bổ được, hòa được, có công hơn các vị thuốc khác (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Trần bì tính hơi mạnh, không nên dùng nhiều, vì cũng như người ta tuổi trẻ không khỏi táo bạo, đến khi trưởng thành là Quất bì, cũng như người tuổi già thì tính mạnh giảm bớt. Để lâu năm là Trần bì thì đã trải qua hiều sương nắng nên khí táo đã tiêu hết (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Trần bì cùng dùng với Bạch truật, Bán hạ thì có tác dụng thấm thấp mà kiện Tỳ, Vị; Dùng liều ít với Cam thảo, bạch truật thì bổ Tỳ Vị, dùng nhiều, dùng độc vị thì làm tổn thương Tỳ Vị; Dùng chung với Trúc nhự để trị nấc do nhiệt; Dùng chung với Can khương để trị nấc do hàn; Dùng với Thương truật, Hậu phác để trừ tà ở Vị làm cho ngăn nghẹn ở hoành cách mô; Thêm những loại như Sinh khương, Thông bạch, Ma hoàng thì tán được tà còn rớt lại ở phần thịt cho đến ngoài da, vì cho vào thuốc bổ thì ích khí; Cho vào thuốc tiết khí thì phá khí; Cho vào thuốc tiêu đờm thì trừ đờm; Cho vào thuốc tiêu thực thì tiêu được thức ăn tiùch tụ (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Thanh bì quả nhỏ, tính hơi mạnh, vào kinh Can, thiên về sơ Can khí, giảm đau. Trần bì quả to hơn, tính hơi chậm, vào Tỳ, Phế, thiên về thông khí, hóa đờm (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Sâm bối trần bì là Trần bì thêm Nhân sâm, Bối mẫu cùng chế với nhau, có tác dụng tiêu đờm, trị ho, hu yếu (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Trích nguồn: SỔ TAY CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC ĐÔNG Y
Do Lê Đình Sáng - Trường Đại học Y Khoa Hà Nội sưu tầm



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Chay

Còn gọi là Cây Chay. Tên khoa học Artocarpus tonkinensis A. Chev. Thuộc họ Dâu tằm Moraceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Diếp Cá

Còn có tên là cây lá giấp , ngư tinh thảo . Tên khoa học Houttuynia cordata Thunb. Thuộc họ Lá giấp Saururaceae. A. Mô tả cây. Cây diếp cấ là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá, hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8. (Hình dưới).

Chữa Cảm Sốt - Cỏ Mần Trầu

Còn gọi là ngưu cân thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, cỏ dáng, cỏ bắc, cheung kras (Campuchia), mia pak kouay (Lào). Tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.) Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - DIẾP CÁ

Còn gọi là Dấp cá, rau Dấp, cây lá Giếp (Houttuynia cordata Thunb) thuộc họ lá Giấp (Saururaceae). Mô tả: Cây thảo cạo 20-40cm, Thân màu lục troặc tím đỏ. Lá mọc sọ le, hình tim, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu trắng, gồm nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Hạt hình trái xoan nhẵn. Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Vối

Tên khoa học Cleistocalyx operculatus (Roxb). Merr et Perry (Eugenia operculata Roxb., Syzygium nervosum DC.). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Đơn Tướng Quân

Tên khoa học Syzygium formosum var , ternifolium (Roxb) Merr. et Perry (Eugenia ternifolia Roxb., Eugenia formosa var. ternifolia (Roxb) Duth). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Hoa Cứt Lợn

Còn có tên là cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, cỏ hôi. Tên khoa học Ageratum conyzoides L. Thuộc họ Cúc Asteraceae(Compositae). A. Mô tả cây Cây hoa cứt lợn là một cây nhỏ, mọc hàng năm, thân có nhiều lông nhỏ mềm, cao chừng 25-50cm, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Lá mọc đối hình trứng hay 3 cạnh, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mật dưới của lá nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu tím, xanh. Quả bế màu đen, có 5 sống dọc (Hình dưới).

Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Phèn Đen

Còn gọi là nỗ. Tên khoa học Phyllanthus reticulatus Poir. Thuộc họ Thầu dầu Euphorhiaceae.

Chữa bệnh Tim - Vạn Niên Thanh

Còn gọi là thiên niên vận, đông bất điêu thảo, cửu tiết liên. Tên khoa học Rhodea japonica Roth. Thuộc họ Hành Alliaceae. Cần chú ý ngay rằng tên vạn niên thanh ở nước ta thường dùng để gọi nhiều cây khác nhau. Cây vạn niên thanh ta trồng làm cảnh là cây Aglaonema siamense Engl, thuộc họ Ráy Araceae. Còn cây vạn niên thanh giới thiệu ở đây thuộc họ Hành tỏi, hiện chúng tôi chưa thấy trồng ở nước ta, nhưng giới thiệu ở đây để tránh nhầm lẫn.

TOA THUỐC ĐÔNG Y CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG

CHỮA DẠ DÀY, TÁ TRÀNG 18 Bài thuốc Năm 1951 ở chiến khu Ð (Nam Bộ) có nhiều cán bộ và chiến sĩ đau dạ dày, chúng tôi phải tốn tiền nhiều để mua biệt dược ở Thành nhưng nào có giải quyết gì được. Tôi không thỏa mãn với cách giải quyết tận gốc bệnh được vì nghĩ rằng ở địa phương có một số nguyên liệu như kaolin chẳng hạn. Tôi khởi sự điều tra trong cơ quan và bộ đội, nguyên nhân nào làm cho đau dạ dày, có khi loét nữa. Kết quả điều tra là trong bộ đội có nhiều người đau hơn cơ quan, ở cơ quan thì nam giới đau nhiều hơn nữ giới. Lý do là vì công tác cho nên bộ đội phải ăn gấp, ăn nhanh hơn ở cơ quan. Ở cơ quan thì “nam thực như hổ, nữ thực như miêu” cho nên nam đau nhiều hơn nữ. Khi ta ăn nhanh thì không có thời giờ để cho nước miếng thấm vào thức ăn cho nên xuống dạ dày thì cơ thể phải tiết acide ra nhiều mới thủy phân được.