Còn gọi là Gai tuyết (Boehmeria nivea (L.) Gaud.) thuộc họ Gai (Urticaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao chừng 1,5-2m, có gốc hóa gỗ. Cành màu nâu nhạt, có lông. Lá lớn hình tim, mọc so le, có cuống màu đỏ, mép khía răng, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới có lông trắng bạc (do đó có tên là Gai tuyết). Hoa đực và hoa cái cùng mọc trên một cành. Quả bế mang đài tồn tại,
Bộ phận dùng: Rễ, lá.
Nơi sống và thu hái: Thường được trồng ở một số nơi thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Cửu Long, An Giang... để lấy lá làm bánh gai, lấy sợi để dệt lưới đánh cá và để làm thuốc. Rễ cây có thể thu hái quanh năm. Đào về, rửa sạch đất cát, thái móng hoặc để nguyên, rồi phơi hay sấy khô. Có khi dùng tươi, lá thu hái quanh năm.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa xác định rõ hoạt chất. Mới biết có axit clorogenie là một tanin. Chất này làm mạnh tác dụng của adrenalin; có tính chất thông tiểu, kích thích sự bài tiết mật, nhưng lại có khả năng ức chế tác dụng của pepsin và trypsin. Còn có tác dụng diệt nấm và chống vi trùng.
Theo Y học cổ truyền, rễ cây có vị ngọt, hàn, không độc, có tác dụng hạ nhiệt, tán ứ, thông tiểu, dùng chữa đơn độc, ngứa lở. Rễ gai thường được dùng làm thuốc an thai hoặc làm thuốc chữa sa dạ con.
Cách dùng: Rễ sắc uống làm thuốc an thai, chữa bệnh phụ nữ có thai ra huyết (ngày dùng 30g trong 1 - 2 ngày), chữa sa dạ con (liều như trên trong 3 - 4 ngày). Rễ và lá sắc uống lợi tiểu, chữa tiểu tiện đục, đi tiểu ra máu, viêm tử cung, sa con trê (trĩ) (ngày dùng 10 - 30g). Còn phối hợp với rễ cây Vông vang giã đắp chữa trĩ nhọt mủ. Rễ giã tươi đắp lên các vết thương, bầm giập làm tán ứ, tiêu sưng.
Nhận xét
Đăng nhận xét