Kinh giới (Elasholziu cristata Willd.) thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
Mô tả: Cây thảo cao 30 - 40cm hay hơn. Thân vuông mọc đứng, có lông mịn. Lá mọc đối, phiến thuôn nhọn, dài 5 - 8cm, rộng 3cm, mép có răng cưa, cuống lá dài 2 - 3cm. Hoa nhỏ, không cuống, màu tím nhạt. Quả gồm 4 quả hạch nhỏ, nhẵn (quả bế tư).
Bộ phận dùng: Phần cây trên mặt đất (cành mang lá, hoa).
Nơi sống và thu hái: Cây thường được trồng ở khắp nơi để lấy cành lá làm rau ăn, gặp ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang... Trồng bằng hạt. Chọn hạt ở những cây khỏe tốt, đem trộn đều với tro rồi đem gieo. Nó hợp với đất nhiều mùn, khô ráo, có nhiều ánh nắng. Cần phủ rơm rạ và tưới nước đều. Độ 3 - 4 tháng sau khi trồng đã có thể thu hoạch được. Cắt cành lá của cây đang ra hoa, chặt ngắn, phơi hay sấy nhẹ đến khô. Bảo quản nơi khô ráo.
Hoạt chất và tác dụng: Trong cành, lá có tinh dầu mà thành phân chủ yếu là elsholtizia keton. Là loại thuốc làm ra mồ hôi, lợi tiểu, khu phong và chỉ ngứa. Nếu sao đen thì chỉ huyết. Thường dùng trị cảm mạo, phong hàn, phát sốt, nhức đầu, phong thấp, đau xương, đau mình, viêm họng, trúng gió, cấm khẩu, sởi, mụn nhọt, băng huyết, rong huyết, thổ huyết, đại tiện ra máu.
Cách dùng: Ngày dùng 10-16g dược liệu khô hay 30g dược liệu tươi, dùng dưới dạng thuốc sắc hay hãm. Cũng có khi dùng tươi lấy nước uống.
Để chữa cảm cúm, đau nhức các đầu xương, dùng Kinh giới tươi (50g), Gừng sống (10g), giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp dọc xương sống (sao nóng trước khi đánh). Hoặc Kinh giới 20g, Tía tô 10g, nước 300ml, sắc còn 150ml, uống nóng, đắp mền kín cho ra mồ hôi... Cũng dùng chữa cảm nóng, ngất xỉu. Để chữa cảm sốt, dùng Kinh giới 100g, Bạc hà tươi 100g. Hai vị rửa sạch, vắt nước cốt, bỏ bã. Uống nhiều lần trong ngày, mỗi lần 2 muỗng cà phê. Để chữa nôn ra máu, băng huyết, dùng 5 - 10g cụm hoa sắc uống. Nhân dân cũng dùng vò nước tắm cho trẻ em trong mùa nực, còn dùng cành hoa sắc uống giải nhiệt.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét