Lựu còn gọi là Thạch Lựu (Punica granatum L.) thuộc họ Lựu (Punicaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao tới 5 - 6m, có thân thường sần sùi mầu xám. Rễ trụ khỏe, hóa gỗ, dạng con thoi, phân nhánh, màu nâu đỏ ở ngoài, màu vàng nhạt ở trong, có võ mỏng dễ bóc. Lá đơn, nguyên, mọc đối, bóng loáng. Hoa mọc đơn độc hoặc tụ hợp thành cụm 3 - 4 cái ở ngọn cành. Hoa có 5 – 6 lá đài hợp ở gốc, 5 - 6 cánh hoa màu đỏ chói, rất nhiều nhị và bầu nhiều ô, xếp thành 2 tầng chồng lên nhau, chứa nhiều noãn. Quả mọng, có vỏ dày, tròn, phía trên có mang đài còn lại, có vách ngang chia thành 2 tầng, các tầng này lại chia ra các ô chứa nhiều hạt tròn có vỏ hạt mọng ăn được.
Bộ phận dùng: Vỏ rễ, vỏ quả, hoa và nước ép vỏ hạt.
Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở I-Răng, được trồng nhiều ở Bắc phi. Ở nước ta cũng trồng, khắp các tỉnh đồng bằng đều có gặp. Trồng bằng hạt hoặc bằng cành chiết.
Vỏ rễ, vỏ thân thu hái quanh năm: hoa quả thu hái vào tháng 6 -7.
Hoạt chất và tác dụng: Vỏ của rễ chứa một lượng quan trọng các chất khoáng (12-15%), trong đó có nhiều oxalat canxi và khoảng 2% tanin. Còn có chất đường, chất béo... Hoạt chất là các ancaloit 1, pelletierin d-1, pelletierin, các bazơ này đều là chất lỏng. Vỏ rễ Lựu là vị thuốc trị giun, đặc biệt có hiệu quả đối với sán sơ mít. Nó làm tê liệt và giết các loại giun sán này. Các tác dụng này đều do ở các bazơ 1 - và dl - pelletierim. Ở vỏ rễ có nhiều ancaloit hơn ở vỏ thân. Cả hai loại vỏ cũng được dùng làm thuốc ngậm chữa đau răng. Vỏ của quả giàu tanin, có tính chất làm săn da, hoa cũng vậy, nên được dùng trong trị bệnh như ia chảy mãn tính, khí hư... Hoa cần dùng chữa viêm tai để phòng chảy mủ. Nước ép vỏ hạt dùng giải khát cho người bị sốt rét. Quả ăn chữa bệnh tim và bệnh dạ dày.
Cách dùng: Vỏ rễ thường dùng riêng sắc nước uống hoặc phối hợp với các thuốc khác (có độc, khi dùng phải có sự hướng dẫn). Vỏ quả và hoa dùng sắc uống hoặc chế biến thành bột để uống.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: TRỊ GIUN SÁN - Cây Thạch Lựu
Nhận xét
Đăng nhận xét