Còn gọi là Khổ qua, Lương qua (Momordica charantia L.) thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Mô tả: Dây leo bằng tua cuốn. Thân có cạnh. Lá mọc so le, chia 5 - 7 thùy, mép khía răng; gân lá có lông ngắn. Hoa đực và hoa cái mọc riêng lẻ ở kẽ lá, có cuống dài. Cánh hoa màu vàng nhạt. Quả hình thọi dài, mặt ngoài có nhiều u lồi, khi chín màu vàng hồng. Hạt dẹt, có màng đỏ bao quanh.
Bộ phận dùng: Cành, hạt, lá, rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng phổ biến khắp các tỉnh vùng đồng bằng để lấy quả làm rau ăn. Nếu dùng làm thuốc thì chọn quả vàng lục, dùng tươi. Nếu cần hạt thì lấy ở quả chín, phơi khô. Lá thường dùng tươi.
Hoạt chất và tác dụng: Thân có chứa một glueozit đắng gọi là momodicin. Còn có vitamin B1, C, adenin, betain, protein. Hạt có chất dầu và một chất đắng.
Theo Y học cổ truyền, cây có vị đắng, tính hàn, không có độc, tính giống rau Má, có tác dụng trừ tả nhiệt, giải lao, thanh tâm, sáng mắt, Quả bổ máu, giải nhiệt, giảm ho, trị giun, nhuận tràng, sát trùng và hạ đái đường. Lá trị mọi thứ đơn độc, đỏ tấy, vết thương nhiễm độc, trĩ đau và trị rắn cắn. Còn dùng chữa nhức đầu, nhức óc và bạch đới hạ. Rễ dùng chữa sốt, giải độc.
Cách dùng: Quả dùng ăn và nấu nước uống. Hoặc dùng nước sắc 3 - 5g hạt tán nhỏ. Quả thái nhỏ, nấu nước tắm và xát trừ rôm sẩy. Lá dùng tươi giã nát hoặc nhai với muối. Khi có thai băng huyết, dùng lá nhai sống và uống một bát nước tiểu trẻ em (đồng tiện).
Hạt sắc với nước chín từ 5-10 hạt hoặc nhai nhỏ trong uống ngoài đắp trị rắn độc cắn. Có thể dùng dây lá, gốc rễ nấu cao, mỗi lít cao cho thêm 30g phèn phi để trị bệnh, mỗi lần uống 1 thìa với nước chín. Dùng trị bệnh kinh nguyệt không đều, xích bạch đới hạ, cầm máu (đái ra máu, ỉa ra máu), các bệnh ngoài da tê thấp, nhức mỏi, huyết áp cao, đau gan kinh niên, táo bón.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét