Còn gọi là cây Ác ó, Thủy tật lê (Acanthus ilicifolius L.) thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao 0,5 - 1,5m. Lá mọc đối không cuống, phiến cứng, mép lượn sóng, có răng cưa không đều và có gai nhọn. Hoa trắng xếp từng đôi một, mọc thành bông ở ngọn. Mỗi hoa có một lá bắc to, hai lá bắc con. Quả nang tròn, chứa bốn hạt dẹt.
Bộ phận dùng: Rễ, lá và búp non.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở những bãi nước lợ vùng ven biển, hai bên bờ sông, bờ hồ ao ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều ở Long An, Hậu Giang, Minh Hải. Gốc và rễ cây ngập trong nước. Có thể thu hái quanh năm, phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Nước chiết cồn ethanol của rễ cây có một saponin tritecpen. Lá Ô rô chứa một lượng chất nhầy rất lớn, do đó được dùng để chườm nóng xem như một vị thuốc làm mềm trong việc chữa trị thấp khớp và viêm gân cốt. Rễ có tính năng lợi tiểu, làm tăng sức mạnh và được dùng trong trường hợp bại liệt, hen suyễn. Lá và rễ đều có chứa ít tanin có thể dùng nhai thay lá trầu.
Theo Y học cổ truyền, Ô rô nước có vị mặn, đắng chua, tính lạnh, có tác dụng khu phong trừ thấp, giải độc sát trùng và nhuận tràng. Thường được dùng trị ăn khó tiêu, ợ hơi, trị ngộ độc, rắn cắn, giun sán, tê bại, tê thấp nhức mỏi, hen suyễn, cước khí và phụ nữ rong kinh.
Cách dùng: Người ta dùng lá tươi giã đắp lên mụn nhọt, ghế, còn dùng chữa tê thấp, đau nhức. Lá và búp non giã lấy nước uống, bã đắp chữa rắn cắn. Rễ dùng làm thuốc thông tiểu tiện, chữa đái gắt, đái buốt, chữa ho hen, lụ. Ngày dùng 8 - 16g, sắc uống. Ô rô nước, với Ké đầu ngựa, hai thứ bằng nhau nấu cao trị các bệnh ghẻ lở, mụn nhọt, ung độc: mỗi ngày dùng 2 thìa canh uống với nước chín.
Nhận xét
Đăng nhận xét