Ổi (paidium guajava L.) thuộc họ Sim (Myrtacerae).
Mô tả: Cây nhỏ cao 5 - 6m. Vỏ nhẵn, mỏng, khi già bong từng mảng lớn. Cành non vuông, có nhiều lông mềm, về sau hình trụ và nhẵn. Lá mọc đối, thuôn hay hình trái xoan, gốc tù hay gần tròn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Hoa trắng, mọc đơn độc hay tập trung 2 - 3 cái thành cụm ở nách lá. Quả mọng, hình cầu, chứa rất nhiều hạt, hình bầu dục. Đài hoa tồn tại ở trên quả.
Bộ phận dùng: Búp ỗi, lá ổi non, quả, vỏ rộp ở thân và vỏ rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng rộng rãi ở nhiều nơi, ở các tỉnh đồng bằng đều có trồng. Có khi gặp ở trạng thái mọc hoang. Có thể thu hái các bộ phận như lá, búp, vỏ thân, vỏ rễ quanh năm, dùng tươi. Thu hái quả chín từ tháng 7 - 8 trở đi.
Hoạt chất và tác dụng: Trong lá Ổi non và búp non có 7 - 10% tanin pyrogalic, axit psiditanic, chừng 3% và khoảng 0,30% tinh dầu. Trong quả có pectin, vitamin C. Trong hạt có tinh dầu với liều lượng cao hơn trong lá.
Quả Ổi chín ăn ngọt, nhuận tràng, quả xanh làm săn da. Quả dùng trị ho, làm dịu, hơi lợi sữa. Lá thường được sử dụng chữa ỉa chảy, đau bụng đi ngoài. Có thể là do lá có nhiều tanin làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột và cả do tác dụng kháng khuẩn gram. Lá búp Ổi non còn được dùng chữa bệnh zona (có người gọi là bệnh giời leo vì nó thường mọc những mụn thành đám trong người, nhất là ở ngực và lưng).
Y học cổ truyền xem lá Ổi có vị chát, tính bình, có tác dụng thu liễm, chỉ tả.
Cách dùng: Búp Ổi non và lá Ổi non quen được sử dụng chữa bệnh ỉa chảy từ lâu đời trong nhân dân ta. Thường dùng bằng cách sắc nước uống: Lá Ổi vừa non, vừa già, dùng 1 nắm độ 50g đem sắc với 2 bát nước. Sắc như sắc thuốc, đun nhỏ lửa sôi từ từ trong 15 - 30 phút. Sau đá để nước âm ấm, chiết lấy nước uống làm nhiều lần, mỗi lần 1 chén nhỏ. Có thể thêm đường.
Để chữa bệnh zona, dùng: lá búp Ổi non 100g rửa sạch, phèn chua 10g, muối 1g, cho tất cả vào cối giã nhỏ, thêm ít nước. Dùng thuốc này để bôi. Có thể cho thêm 5 - 6g bột sunfamit càng tốt. Vỏ rộp Ổi, vỏ rễ thường dùng dưới dạng thuốc sắc.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét