Còn gọi là Quao nước (Dolichandrone spathacea (L.f) K. Schum.) thuộc họ Núc nác (Bignoniaceae).
Mô tả: Cây gỗ lớn, cao đến 15m. Lá kép lông chim một lần, gồm 7 lá chét; lá chét không lông, lúc khô màu đen. Cụm hoa là chùm ngắn gồm nhiều hoa trắng to, thơm gần như đều. Đài hình tàu, dài 3 - 4cm. Ống tràng dài 10 - 12cm, phía trên có 5 tai nhăn, đẹp, phía trong có 4 nhị. Quá nang thõng xuống, tròn, nhọn, có vách giả. Hạt dẹp, có cánh dày, dài 1,5 - 2,2cm.
Bộ phận dùng: Vỏ thân, lá, rễ,
Nơi sống và thu hái: Cây mọc dựa rạch có thủy triều và rừng sát, xen lẫn với Ô rô, Cóc kèn. Gặp rải rác ở các tỉnh đồng bằng, nhưng nhiều nhất là ở Tiền Giang (mọc nhiều ở Cai Lậy), Hậu Giang, Long An, Bến Tre, Minh Hải.
Thu hái các bộ phận của cây quanh năm, phơi khô dùng dần.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu về hoạt chất. Chỉ mới được dùng nhiều trong phạm vi dân gian. Từ hồi kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta đã dùng cây, lá Quao, phối hợp với Ích mẫu, Ngải cứu, cỏ Cú, Muống hòe để làm thuốc điều kinh, sửa huyết, bổ huyết. Còn dùng cho phụ nữ sau khi sinh uống vào cho khỏe người, rất ngon ăn. Gần đây, nhiều địa phương đã chú ý đến các tác dụng khác của cây. Vỏ và lá dùng làm thuốc nhuận gan. Lá dùng trị hen suyễn. Vỏ rễ dùng làm thuốc tiêu độc.
Một vài xí nghiệp Dược phẩm đã dùng rễ (và lá) Quao nước phối hợp với cả cây (hay rễ) Ô rô chiết thành biệt dược Ô-rô-Quao làm thuốc giải độc, nhuận gan.
Cách dùng: Thường dùng vỏ cây, rễ và lá sao qua sắc nước để uống, hoặc dùng các bộ phận của cây nấu thành cao lỏng để dùng. Có cơ sở đã dùng Quao phối hợp với Ích mẫu, Chó đẻ, Cù đèn, Cam thảo để làm thuốc điều kinh, thông kinh, trục huyết ứ. Có nơi còn dùng lá Quao phối hợp với lá Ô rô và thân rễ Mướp gai trị bệnh gan, vàng da, xơ gan cổ trướng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét