Đậu rồng, Đậu khế hay Đậu vuông - Psophocarpus tetragonolobus (L.) DC., thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây thảo leo, sống nhiều năm, có nhiều củ. Lá có 3 lá chét hình tam giác nhọn. Chùm hoa ở nách lá, mang từ 3-6 hoa màu trắng hoặc tím. Quả đậu màu vàng lục, hình bốn cạnh, có bốn cánh với mép khía răng cưa. Hạt gần hình cầu có màu sắc thay đổi tuỳ theo giống trồng (vàng, trắng, nâu hay đen). Rễ có nhiều nốt sần.
Đậu rồng có nguồn gốc ở vùng Papua (Tân Ghinê) ngày nay được trồng nhiều ở các nước Đông nam Á. Ở nước ta, Đậu rồng được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam, còn ở các tỉnh phía Bắc, chỉ mới trồng ở Vĩnh yên, Phú thọ, Hải phòng, Hà tây, Hoà bình, Hà Nội, Hưng yên. Hiện nay đã thu thập được loại giống Bình minh ở tỉnh Hải hưng cũ phát triển tốt và cho sản lượng hạt cao hơn so với 70 giống nhập nội ở miền Bắc nước ta. Đậu rồng có thể gieo quanh năm ở các tỉnh phía Nam; còn ở phía Bắc, nên gieo trong tháng 6. Sản lượng hạt đạt một tấn trên 1 hecta.
Đậu rồng là một loài cây có nhiều công dụng. Nhân dân thường trồng đậu rồng lấy quả non ăn như một loại rau xanh; trong quả có chứa nhiều protein và vitamin. Bà con thường dùng quả đậu rồng non luộc chín ăn trong các bữa ăn chay hoặc xào ăn ngon như đậu cô ve, hoặc để sống ăn với cá kho, mắm kho. Lá non và nụ hoa giầu protein và vitamin, cũng được dùng ăn sống, luộc hoặc nấu canh, và thường trộn lẫn với các loại rau sống khác. Củ Đậu rồng chứa nhiều chất bột và đường, cho nên có vị hơi ngọt, đặc biệt chứa tới 20% protein (trọng lượng khô), đó là một loại củ ăn được mà lại có hàm lượng protein cao hơn hẳn các loại củ khác (ở sắn 1-3%; khoai lang 1-2%, khoai tây 2%; ở khoai sọ 2% và ở củ mài 3%). Củ đậu rồng có thể có giá trị lớn góp phần giải quyết tình trạng thiếu protein. Người ta sử dụng củ đậu rồng như các loại củ khác, có thể ăn sống nhưng thường dùng nấu chín.
Đáng chú ý nhất là hạt đậu rồng. Nó có hàm lượng protein rất cao và cũng là nguồn cung cấp dầu béo tương tự dầu đậu tương. Hạt đậu rồng chứa tới 32-34% protid; 13-17% lipid; 26-33% glucid. Đặc biệt có nhiều chất rất cần thiết cho sự phát triển cơ thể trẻ em (như các acid amin: lizin, metionin, cystin). Lượng calcium cao, tỷ số calcium / phosphor lớn hơn 1 chứng tỏ sự hơn hẳn của đậu rồng so với đậu nành, lạc. Hạt đậu rồng là thức ăn giàu dinh dưỡng cho các cháu từ 5 tháng tuổi trở đi. Điều có ý nghĩa nhất là loại bột chế từ hạt đậu rồng có thể thay thế sữa để chữa bệnh suy dinh dưỡng, bệnh bụng ỏng của trẻ em do đói protein. Ngoài những tác dụng trên, đậu rồng còn được dùng làm thuốc chữa đau mắt, đau tai, mụn có mủ, bướu.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét