Gừng - Zingiber officinale Rosc., thuộc họ Gừng - Zingibebraceae. Cây thảo có thân rễ nạc và phân nhánh xòe ra như hình bàn tay, gần như trên cùng một mặt phẳng, mang nhiều chồi, từ đó phát ra những thân thực cao 80 đến 100cm. Lá thuôn hình ngọn giáo, dài 20-30cm. Cụm hoa bông ở ngọn dày đặc hoa, có cuống dài 25cm, mọc thẳng lên; hoa vàng xanh mép tím. Quả mọng.
Gừng gốc ở Ấn độ và Malaixia, hiện có mọc ở tất cả các xứ nóng. Ấn độ, Nhật bản, Úc là những nước trồng nhiều gừng để xuất khẩu. Ở nước ta, gừng được trồng khắp mọi nơi, chủ yếu có nhiều ở Hải phòng (Cát bi), Cao bằng, Lạng sơn, Hà giang, Sơn la, Lào cai.
Từ thời đại các vua Hùng (2879-287 trước Công nguyên) tổ tiên ta đã dùng gừng ăn với thịt chim, cá, ba ba cho đỡ lạnh, dễ tiêu. Từ đó đã hình thành tục sử dụng gừng, hành, tỏi, ớt, tía tô... làm gia vị trong bữa ăn hàng ngày để phòng bệnh. Ngày nay, hầu như gừng không vắng mặt trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân ta trong việc làm gia vị chế thực phẩm (xào thịt bò, thịt trâu, thịt thú rừng, thịt vịt), nấu rau cải, nấu với các loại thực nhẩm mát hoặc tanh như cá, cua, ốc hến, ba ba .. tẩy bóng cá. Còn dùng pha nước chấm, nước mắm cho thơm, nấu với nước luộc bánh trôi, làm mứt. Lá gừng cũng được dùng nấu canh cá đồng.
Trên thế giới, ngoài việc dùng gừng làm gia vị, người ta còn dùng nó làm nguyên liệu chế bánh ướp hương (ginger - beer, gingerale), còn dùng làm mứt kẹo (mứt, xirô, viên kẹo ngậm) và dùng nó làm thành phần của bánh gia vị của các xirô làm dịu. Người ta đã biết trong thân rễ (củ) của Gừng chứa tinh dầu (2-3%), nhựa dầu (5%), dầu mỡ (3,7%), tinh bột, chất cay (Zingeron, zingerol, sogal).
Gừng vừa là gia vị vừa là thuốc chữa bệnh. Y học dân tộc sử dụng Gừng dưới những dạng chế biến khác nhau với tính vị và tác dụng khác nhau:
- Gừng tươi (sinh khương) vị cay, tính hơi ấm, vào phế, tỳ, vị có tác dụng phát tán nhẹ khí, khai khiếu và tiêu trệ, ôn trung, thường dùng làm thuốc giúp tiêu hoá, trạng thái kém ăn, ăn uống không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa, ho có đờm, giải độc cá, cua, thịt .. Dùng ngoài, đem Gừng gia nhỏ đắp vào chỗ tụ huyết do sang chấn, đau ngực thâm tím.
- Gừng khô (can khương) là Gừng sống đồ lên và phơi khô, vị cay nóng, có tác dụng tán hàn, dùng trị cảm lạnh, thổ tả.
- Gừng sao thật vàng (tiêu khương) cũng dùng chữa đau bụng lạnh, tay chân lạnh, nhức mỏi, tê bại, tê thấp, đầy hơi.
- Gừng sao gần cháy (thán khương) cũng dùng như Gừng sao và còn trị băng huyết.
Ta thường dùng gừng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Ngâm gừng trong cồn hay trong rượu để chế rượu gừng. Gừng muối dùng ngậm cũng như mứt Gừng, để tránh ho và chống lạnh về mùa đông. Nó lại có tác dụng tăng cường muối cho cơ thể đỡ say nóng và đỡ khát nước trong mùa hè; Gừng muối còn chữa chứng đầy bụng, làm thông đường tiêu hoá, sát trùng trong trường hợp đau răng và sưng amygdal.
Chúng ta có nhiều kinh nghiệm dân gian trong việc dùng Gừng, từ những trường hợp đơn giản như chữa đau bụng, nôn mửa, ọe ... chỉ cần nhai Gừng sống nuốt nước, cho đến các trường hợp phức tạp hơn nữa như tỳ thấp thũng trướng, tay chân phù trong, ăn không tiêu, sợ lạnh, sợ nước, dùng 150g Gừng sống rửa sạch, thái mỏng, rang khô giã đổ vào bát, rưới vào 50ml mật ong, trộn đều đậy kín lại một chốc, rồi bệnh nhân ăn hết trong một ngày, sẽ xọp phù; nếu cần ăn tiếp một hai lần nữa là khỏi (Theo lương y Lê Trần Đức).
Gừng là một loại thuốc có giá trị trong các loại Rau gia vị.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - GỪNG
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Gừng
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - GỪNG
Nhận xét
Đăng nhận xét