Hương nhu tía hay É rừng, É tía - Ocimum sanctum L. thuộc họ Hoa miôi - Lamiaceae. Cây thảo hay cây nửa bụi, phân nhánh nhiều, sống dai.
Thân và cành thường có màu tía, có lông rạp xuống. Lá mọc đối, có cuống khá dài, thuôn, hình ngọn giáo hay hình trái xoan, dài 1-5cm, có răng, có lông tơ ở cả hai mặt. Hoa nhỏ có màu tím nhạt, xếp thành 6-8 ngù tập hợp thành chùm đơn ở ngọn, ít khi phân nhánh.
Cây được trỗng ở các xứ nhiệt đới và cũng được trồng phổ biến ở nước ta để lấy lá làm rau ăn như các loại rau gia vị khác. Lá và hoa hương nhu tía khi vò ra có mùi thơm của tinh dầu đinh hương. Người ta đã biết trong lá có tinh dầu mà thành phần chủ yếu gồm estragol, cineol và linalol. Ở Ấn độ, chưng cất lá bằng hơi nước, người ta thu được 0,7% tỉnh dầu có mùi mạnh của tinh dầu đinh hương và phenol. Nó chứa 71% eugenol; 20% ether metylic của eugenol và 3% carvacrol. Nó là nguồn chiết eugenol tốt. Tinh dầu hương nhu tía có tính chất kích thích và làm toát mồ hôi như các loại cây có tinh dầu khác cùng họ Hoa môi.
Hương nhu tía được sử dụng nhiều trong Y học dân tộc. Vào những ngày hè nóng nực, người phụ nữ nông thôn miền Bắc thường hay dùng ít nhánh Hương nhu tía dắt vào khăn, vào tóc ngang thái dương để tránh đau đầu. Người ta dùng các ngọn cây mang hoa pha nước hay sắc uống chống say nắng, trị tả và các bệnh như gây co cơ, chảy máu mũi và thuỷ thũng; có khi ngâm trong nước Gừng bão hoà rồi phơi, có khi sao khô và cất dành. Cũng dùng xông hơi để làm toát mồ hôi khi bị sốt rét hay say nắng, do đó mà phụ nữ Việt nam thường dùng nó để gội đầu. Có nơi, nhân dân dùng chế thành một dạng trà uống trị đau bụng và trị bệnh đường hô hấp. Người ta đem sao những đoạn thân và lá Hương nhu tía trên lửa dịu, rồi khử thổ, sau đó rửa và nấu nước uống. Có người dùng lá vò ra lấy nước cốt, thêm chút muối, phơi sương uống trị ho gió.
Ở Campuchia, người ta cũng dùng toàn cây nấu nước uống trị đau bụng. Ở Malaixia và Ấn độ, rễ cây dùng sắc uống chữa sốt rét nhẹ và dịch lá dùng làm thuốc long đờm. Lẫn với nước chanh, nước dịch lá hương nhu tía dùng đắp ngoài trị các bệnh về da. Ở Malaixia, người ta cũng dùng dịch lá đắp trị thấp khớp.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: Chữa Cảm Sốt - Hương Nhu
Xem thêm: CÂY HOA CÂY THUỐC - HƯƠNG NHU
Nhận xét
Đăng nhận xét