Rau dền canh, Rau dền tía, Rau dền đỏ - Amaranthus tricolor L., thuộc họ Rau dền - Amaranthaceae. Cây thảo mọc đứng, cao 1m hay hơn, xẻ rãnh. Lá hình thoi hay hình ngọn giáo, thon hẹp ở gốc, nhọn tù, dài 3,5-12cm rộng 2,5-10mm. Hoa thành ngù ở nách lá, hình cầu, các hoa ở phía trên sít nhau hơn và tận cùng thân hay cành bằng một bông gần như liên tục, không có lá mà có các lá bắc và lá đài lởm chởm. Quả hình túi, nhẵn, hình trứng nón, dài 2mm, có các vòi nhụy ở phía trên dài 1mm, quả mở bằng một khe ngang. Hạt hình lăng kính 1mm, màu đen.
Rau đền canh có nguồn gốc ở Ấn độ, đã được thuần hoá ở nhiều nước. Ở nước ta, Rau dền canh cũng được trồng ở nhiều nơi. Do trồng trọt mà có nhiều thứ tuỳ theo dạng cây, màu sắc của lá.
Người ta trồng Rau dến làm rau ăn luộc, xào hay nấu canh, vì thân của chúng khi còn non mềm và mọng nước. Hạt Rau dễn có giá trị dinh dưỡng cao, nó chứa tới 62% tinh bột và 6% chất béo. Ở Cuba, có loại Rau dền đỏ mà hạt có vị như hạt Hồ đào, dùng để làm bánh hoặc cho thêm vào bột mì để cải thiện chất lượng bánh; lá của chúng chứa nhiều vitamin A, C, B₂ P; lá và hạt chứa hàm lượng protid rất cao, tới 16-18%, trong đó acid amin quan trọng là lysin của nó cao hơn ở Ngô (bắp) gấp 3-3,5 lần, hơn bột mì 2-2,5 lần. Hạt của rau dền này là loại lương thực có giá trị hơn lúa mì, ngô, lúa và đậu tương.
Rau dền canh cũng được sử dụng làm thuốc. Rau dễn có vị ngọt, tính mát, có tác dụng lợi đại tiểu tiện, sát trùng, trị nọc ong, nọc rắn rết, dị ứng mẩn ngứa. Nấu canh Rau dền canh với nước hến thì đi tiêu ngay. Luộc ăn, uống cả nước thì khỏi kiết ly.
Hạt rau dền có vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng làm mát gan, dùng trừ phong nhiệt, mắt có mộng trắng, mắt mờ, có hoa đen, dùng 10g hạt tán bột uống với nước sắc hạt Muồng ngủ (Thảo quyết minh) 12g làm thang. Hạt Rau dền có ích cho khí lực, uống lâu thì không đói. Nó còn có tác dụng thông đại tiểu tiện (dùng 20g hạt sắc uống) và còn có tác dụng trừ giun đũa.
Nước sắc rễ Rau dền canh phối hợp với nước sắc rễ Bí ngô dùng uống để ngăn chặn xuất huyết gây nôn do sẩy thai.
Nhân dân ta còn sử dụng các loài Rau dền khác nhau như Rau dền cơm (Amaranthus lividus L.), Rau dền đuôi chồn (Amaranthus caudatus L.), và Rau dền gai (Amararnthus spinosus L.).
Rau dền cơm cũng là một loài cây thảo cao tới 60cm hay hơn, phân nhiều nhánh từ gốc, thân có khía mầu xanh nhạt. Lá hình thoi hoặc hình trứng có cuống dài bằng phiến. Hoa màu xanh họp thành cụm hoa dạng đầu ở nách lá và dạng bông dài ở đầu cành. Quả nang nhỏ chứa nhiều hạt đen bóng.
Rau đến cơm gặp phổ biến ở Ấn độ, miền nam Trung quốc, Việt nam, Lào, Campuchia, Inđônêxia. Ở nước ta, Rau dền cơm mọc hoang hoặc được trồng ở các vườn, các nương rẫy cũ. Rau dền cơm cũng là món rau thông thường ở gia đình nông thôn, có thể dùng luộc hoặc nấu canh, và xào ăn cũng ngon.
Trong 100g Rau dền cơm có 84,6g nước; 3,4g protein; 1,4g glucid; 1,6g cellulose; 63mg vitamin C; 10,6mg caroten; 0,36mg vitamin B₁; 1,3mg vitamin PP (Tài liệu của Cục quân nhu, 1971).
Rau dền cơm cũng là loại thức ăn tốt cho lợn.
Nó cũng được dùng làm thuốc như Rau dễn canh.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét