Tỏi tây - Allium porrum L., thuộc họ Hành - Alliaceae, là loại cây thảo 2 năm, cao 40-140cm. Hành (củ) hình trụ, trắng (Tỏi tây dài) hoặc hình tròn (Tỏi tây ngắn), rộng 1-2cm. Lá mọc 2 hàng, thẳng, mở rộng, nhọn, phẳng hoặc hơi gấp lại thành hình máng xối, có mầu lục hơi luốc. Hoa hồng, xếp thành hình tán giả dạng cầu, có cuống dài, màu xanh xanh hay tim tím.
Cây gốc ở vùng Địa trung hải, đã được thuần hoá rất tốt tại Việt Nam và chịu đựng được qua mùa hè tại vùng trung du Bắc bộ. Ở Đà lạt, tỉnh Lâm đồng cũng có trồng nhiều.
Tỏi tây thường được dùng xào ăn với thịt bò, thịt lợn hoặc làm gia vị cho các món canh thịt, dùng nấu xúp với khoai tây hoặc lẫn với các loại rau ăn sống khác.
Người ta dùng toàn cây, và để làm thuốc, còn dùng cả các rễ con. Thành phần chính đã biết: vitamin B, C, các chất khoáng Fe, Ca, P, Mg, Na, K, Mn, S, Si, tinh dầu sunfo-nitơ chất nhầy (Araban và Pectin), cellulose. Tỏi tây có các tính chất bổ thần kinh, rất dễ tiêu hoá, lợi tiểu, sát khuẩn, nhuận tràng và bổ dưỡng cơ thể. Nhờ có các muối kiềm mà Tỏi tây lợi tiểu mạnh. Nước sắc Tỏi tây cũng có những tác dụng tương tự (3/4 lít đến 1 lít hàng ngày trong 3 tuần liền rất lợi tiểu). Tỏi tây được chỉ định dùng trong các trường hợp khó tiêu, thiếu máu, thấp khớp, tạng khớp, thống phong, các bệnh đường tiểu tiện, sối niệu, nitơ huyết, suy thận, béo phì, vữa xơ động mạch. Dùng ngoài để chữa áp xe, mụn nhọt, viêm bàng quang, bí tiểu tiện, trĩ, mắt cá và chai, vết đốt của sâu bọ, vết thương và dùng rửa mặt.
Để dùng trong, có thể ăn sống, thái rất mảnh làm xà lách lẫn với các loại rau sống khác; sắc nước uống hay nấu xúp hoặc nấu canh; nghiền rễ con trong sữa để trị giun; dùng 20g rễ ngâm 10 ngày trong 1 lít rượu trắng, mỗi sáng sớm dùng 1 ly, để chữa nitơ huyết.
Dùng ngoài lấy dịch lá pha nước Dừa hay sữa để rửa mặt, giữ da, trị phát ban, giã đắp mụn nhọt, áp xe. Để trị bí tiểu tiện, viêm bàng quang, nấu riu riu lửa 6 củ Tỏi tây trong dầu dừa rồi áp nóng vào bụng dưới. Để trì mắt cá và chai chân, dùng một lá Tỏi tây ngâm 24 giờ trong giấm; buổi tối đắp lên nơi bị bệnh rồi gãi sẽ làm tróc vẩy ra. Tiếp tục làm nhiều lần. Để trị vết đốt sâu bọ, dùng Tỏi tây cắt thành miếng đặt lên vết đốt sẽ làm tiêu sưng, giải độc (cũng như tỏi và hành). Để trị các vết thương, dùng lá tỏi tây làm lớp băng sát khuẩn và làm mau liền da.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét