Tên khác: Đào, May phắng (Tày), Cơ tào (Thái), Phiếu kiao (Dao), Mao đào.
Tên khoa học: Amygdalus persica L. [Prunus persica (L.) Batsch]; Họ hoa Hồng (Rosaceae).
Nguồn gốc:
Cây Đào có nguồn gốc ở Trung Quốc và Ba Tư từ lâu đời và được ưa trồng ở các nơi trên thế giới như: Việt Nam, Nhật Bản Thái Lan, Hoa Kỳ, vùng Địa Trung Hải... Ở Việt Nam, Đào được trồng từ lâu đời, tại các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là các làng quanh Hồ Tây, Hà Nội nổi tiếng về Đào cảnh, Đào hoa.
Đào quả mọc tốt ở miền núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai (Sapa), Hoàng Liên Sơn, Hà Giang...
Cây Đào mọc tốt ở nơi có khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới. Đào phát triển tốt trên đất thịt pha, cao ráo, dễ thoát nước; pH 6 - 7. Gây giống bằng hạt hay ghép cành. Có thể điều khiển cho cây ra họa bằng cắt tỉa cành, hãm cây (khía vỏ, tuốt lá dần) hay bón thúc nếu hoa nở chậm. Trồng Đào ăn quả, thường dùng phương pháp ghép mắt. Nếu muốn nhân các giống Đào có phẩm chất tốt, người ta thường dùng cách chiết cành. Năng suất quả Đào có thể đạt 10 - 15 tấn quả tươi/ năm, nếu chăm sóc tốt. Thời gian bảo quản quả rất ngắn, cần vận chuyển, tiêu thụ nhanh.
Mô tả:
Cây gỗ nhỏ, rụng lá theo mùa, cao 3 - 8 m, rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ con ăn ngang; cành non, nhẵn; thân nhẵn, phân cành nhiều và thấp. Lá đơn, mọc so le, hình mác hẹp, mép khía răng; dài 5 - 8 cm, rộng l - 2 cm; lá vò ra có mùi Hạnh nhân. Hoa màu hồng nhạt hoặc đỏ thắm, đường kính khoảng 2 - 3 cm; thường mọc dày đặc trên cành, trước khi cây ra lá; đài có lông, tràng nhẵn, nhiều nhị (35 - 40 nhị). Hoa đơn màu phớt hồng ở loại Đào ăn quả; hoa kép có nhiều lớp cánh ở loại Đào hoa. Hoa nở vào mùa xuân; quả hạch, gần giống hình cầu, đường kính khoảng 3 - 8 cm, có một rãnh bên chạy theo đọc quả; phủ đầy lông tơ mịn, khi chín rất thơm, màu vàng lục nhạt, đôi khi có những đốm nhỏ đỏ. Hạt cứng nằm trong vỏ quả, có nhiều rãnh sâu; hạt không có nội nhũ, thịt quả màu trắng xanh hoặc vàng, đỏ. Mùa hoa: tháng 1 - 3; mùa quả: tháng 6 - 8.
Bộ phận dùng:
Hoa trang trí, làm thuốc; quả để ăn; nhân hạt (Đào nhân), lá, rễ, nhựa Đào làm thuốc.
Thành phần hoá học:
Quả Đào: Có ít tinh dầu, acetaldehyd, ester linalol valerianat, acetat, 0,90% protein, 6,4% glucid, 20 mg% calci, acid citric, chlorogenic, oxalic; 34mg% phosphor, 20mg vitamin C, 0,5mg% caroten, 0,2-0,5mg% vitamin B1-B2 0,9mg% vitamin PP.
Đào nhân: Amygdalin, (24-methylen cycloartamol), emulsin, citrostadienol, (7-dehydro avena sterol), prunasin, b-sitosterol, campesterol, (b-sitosterol-3-O-b-D-gluco pyranosid)..., tryplophan, glucose, sucrose, acid chlorogenic, (3-caffe oxyquinic acid), (3-feruloylquinic acid), (3-p-coumaroylquinic acid), triolein, acid oleic, acid linoleic.
Lá Đào: Flavonoid (quercitrin, kaempferol), acid quinic và cafeic, tanin amygladin, naringemin, trifolin lycopen.
Nhựa cây Đào: L-arabinose, D-xylose, galactose, L-rhamnose và acid D-glucuronic
Hoa Đào: Kaempferol, coumarin, trifolin, naringenin.
Tác dụng:
Quả Đào: Cùng cấp năng lượng, làm dễ tiêu, lợi tiểu, nhuận tràng nhẹ. Đặc biệt có mùi thơm dễ chịu khi quả chín; đem chưng cất sẽ được tinh dầu thơm trong có các ether, có linalol acid formic, acetic, valeric, caprylic, acetaldehyd purpurol, cadinen. Quả Đào được chỉ định chữa chứng khó tiêu, tiểu ra máu, sỏi tiết niệu. Quả Đào còn dùng dưỡng da mặt đối với phụ nữ.
Đào nhân: Có tác dụng được lý
- Đối với hệ thống tuần hoàn
- Chống ngựng huyết
- Chống viêm
- Chống quá mẫn (anti-allergy)
Hoa Đào: Thu hoạch nụ (trước khi hoa nở) có tác dụng nhuận tràng nhẹ, được bào chế dưới dạng biệt dược như dược trà hoặc thuốc hãm (tisane).
Hoa Đào còn có tác dụng làm dịu, giảm đau, chống co thắt.
Lá Đào: Trị giun, sát trùng
Nhựa Đào: Lợi niệu, thông lâm
Rễ Đào: Hành huyết, chỉ thống (ngừng đau)
Theo Đông y:
1. Quả Đào: Cam, toan, bình; vào các kinh vị, đại trường; ích vị, sinh tân, nhuận trường táo. Chủ trị: Vị âm bất túc, miệng khát, họng khô, hoặc đường ruột (đạo trường) táo nhiệt, đại tiện táo kết. Có thể dùng ăn sống hoặc hấp chín để ăn.
2. Đào nhân: Khổ, cam, bình; vào các kinh tâm, can, đại tràng.
Công năng: Hoạt huyết, trừ đàm, nhuận tràng thông đại tiện.
Dùng điều trị: Kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, hòn cục bí khối; bị đánh bị ngã tổn thương; táo bón, đại tiện bí kết.
Liều dùng: 6 - 9g.
Kiêng kỵ: Có thai, không được dùng.
3. Hoa Đào: Khổ, bình, không độc; vào kinh: thủ thiếu âm, túc dương minh; lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện.
Chủ trị: Thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, nhị tiện (đại, tiểu tiện) bất lợi, bế kinh.
Cách dùng: 3,8 - 6,4g sắc thuốc hoặc tán bột để uống.
Dùng ngoài: Tán thành bột, đắp chỗ đau.
4. Lá Đào: Khổ, bình; vào 2 kinh tỳ, thận; khu phong thấp, thanh nhiệt, sát trùng.
Chủ trị: Đầu phong, đầu thống; phong tê (tý), ngược tật (sốt rét), thấp chẩn (eczema), sang dương, tiên sang.
Cách dùng: Sắc nước để rửa; dùng trong: sắc thang để uống.
5. Nhựa Đào (Đào giao): Cam, khổ; bình; không độc.
Chủ trị: Thạch lâm (sỏi niệu): huyết lâm (tiểu ra máu); lỵ.
Cách dùng: dùng 19 - 38g, sắc thang hoặc bào chế thành hoàn, tán đề uống.
6. Đào căn (rễ hoặc vỏ rễ): Khổ, bình, không độc.
Công dụng, chủ trị: hoàng đản, thổ huyết, chẩy máu cam, bế kinh, ung thũng, trĩ sang, Cách dùng: 76 - 114g, sắc thang uống.
Dùng ngoài: Sắc nước, rửa chỗ đau.
7. Đào chi (cành Đào): Vị đắng.
Điều trị: Tâm phúc thống (đau thắt ngực).
Cách dùng: Dùng 80 - 120g lạng, sắc thang uống.
Chú thích: Dược liệu này có ghi trong Nam Dược Thần Hiệu, Tuệ Tĩnh.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CHỮA HO HEN - Đào
Nhận xét
Đăng nhận xét