Tên khác: Hoa Huệ tây, hoa Xa hương bách hợp; hoa Nham hồng; nham Bách hợp (Hoa).
Tên khoa học: Lilium longiflorum Thunb. Họ Hành (Liliaceae) hoặc họ Huệ tây (Liliaceae).
Nguồn gốc:
Cây có nguồn gốc như cây Huệ tây (Lilium candidum), ở Trung Đông, châu á, mọc và trồng ở Trung Quốc, Đài Loan, Quý Châu, Quảng Đông; cây được trồng nhiều ở Việt Nam, làm cây hoa cây cảnh, rất được ưa chuộng vì hoa to, trắng đẹp và thơm dịu, Cây trồng ở vườn, ưa đất thịt hay cát pha; không chịu đất chua, trũng, cớm bóng; trồng bằng củ. Trồng tháng 10 - 11, ra hoa vào tháng 5; mỗi cây cho trung bình 6 - 8 hoa. Khi cắt chừa lại 10 - 15 cm thân và lá; chăm sóc củ đến tháng 9 bới lên; bảo quản 30 - 40 ngày, lại đựa ra trồng.
Mô tả:
Cây thảo, sống nhiều năm, cao khoảng 50 - 100 cm; thân hành, gần hình cầu, đường kính khoảng 5 cm; thân mọc thẳng đứng, bộ phận dưới màu đỏ nhạt, giò vẩy màu ngà. Lá mọc cách, màu lục bóng, gân lá song song, dài 10 - 15cm, rộng 5 - 15mm. Hoa mọc ở ngọn, thành chùm 2- 3 đoá, áo hoa hình phễu dài, gồm 6 cánh trắng, loe ra ngoài. Nhị 6, bầu 1; vòi nhuy dài, nhỏ; núm nhụy hình đầu. Quả nang, hình trái xoan dài. Mùa hoa: đầu mùa hạ.
Bộ phận dùng:
Hoa dùng để trang trí
Thân hành: một số nơi ở Trung Quốc, dùng làm thuốc [Trung Dược Đại Từ điển (1995), số 1728; trang 857] (xem Bách hợp, phần chú thích).
Thành phần hoá học:
Thân hành chứa tính bột, protein, lipid. Bao phấn hoa chữa một số carotenoid, trong đó có các chất cis-antheraxanthin chiếm tỷ lệ 91,7 - 94% các carotenoid nói trên.
Tác dụng, tính vị, công dụng, chủ trị, cách dùng của vị thuốc Bách hợp này (xin tham khảo Trung Dược Đại Từ điển 1995, số 1728, trang 857), (xem Bách hợp).
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Xem thêm: CHỮA HO HEN - Bách Hợp
Nhận xét
Đăng nhận xét