Tên khác: Ngọc lan tây, Y lăng Y lăng.
Tên khoa học: Cananga odorata Hook f. et Thomas. Họ Na (Annonaceae).
Nguồn gốc:
Cây nguồn gốc ở đảo Molucca, Indonesia. Cây được trồng nhiều ở vùng Đông Nam Á như ở Indonesia (ở độ cao 10 - 1.800m), ở Philppin, Việt Nam và ở các nơi khác, như Madagasca, Reunion, Comore. Chủng, thứ loài nổi tiếng nhất là ở Philippin, Reunion, Comore.
Mô tả:
Cây gỗ to, cao 10 - 40m, mọc hoang ở trong rừng, hoặc trồng làm cảnh, hay lấy hoa để điều chế tinh dầu. Cành cây hơi khúc khuỷu, cành ngang mọc hơi rủ. Lá mọc cách theo 2 hàng: phiến lá hình trứng, hơi lượn, mặt nhẵn. Hoa mọc thành những nhánh ngắn, không lá, màu vàng lục; nhị đực nhiều; ra hoa quanh năm; hoa thơm mát có thể chưng cất lấy nước hoa. Cây thường được trồng quanh nhà, hoặc ở công viên.
Bộ phận dùng: Hoa dùng cất lấy tinh dầu.
Thành phần hoá học:
Tinh dầu chứa linalool tự do và linaloal ester hoá, safrol, eugenol, geraniol; pinen, sesquiterpen; cadinen, benzoat benzyl; các acid acetic, benzoic, formic, salicylic, valeric (phối hợp với nhau); cresol, isosafrol. (Tinh dầu từ Hoàng lan, được chưng cất bằng hơi nước rất thơm, chất lượng tốt; hiệu suất 1,5 - 2% gọi tên là tinh dầu Y lăng. Nếu chiết suất bằng ether đầu hỏa, hiệu suất sẽ được 0,7 - 1,5%, chất lượng kém hơn, màu thẫm hơn, sẽ có thêm chất nhựa gọi tên là “tinh dầu Cananga”).
Tác dụng:
Giảm tăng biên độ hô hấp; giảm thở nhanh, sâu (hyperpnea); giảm nhịp tim nhanh; hạ huyết áp; giảm phản xạ, làm dịu phản xạ và kích thích; sát trùng và có thể kích dục.
Công dụng:
Trị nhịp tim nhanh, cao huyết áp, nhiễm trùng đường ruột, điều trị chất tiết ra có mủ, chữa liệt dương, lãnh đạm tình dục.
Cách dùng, liều lượng:
1. Dùng trong: Tinh dầu Y lăng 2 - 3 giọt, nhỏ trên một miếng đường; mỗi ngày dùng 3 - 4 lần.
2. Dùng ngoài: Nhũ tương tinh dầu và nước, hoặc cồn thuốc (teinture), xoa bên ngoài.
3. Ngoài ra, tính dầu Y lăng còn được dùng nhiều trong công nghệ nước hoa, với chất lượng cao:
Nước hoa "Manila Y lang" ( Y lang Y lang Ess-bouquet de Manila), trong đó có: tinh dầu Y lăng 9g, tinh dầu hoa Hồng 1,0g, tinh dầu hoa Cam 0,5g; vanilin 0,25g: bôm Tôlu 250,0g; nước cất hoa Hồng 125,0g và cồn 90% vừa đủ 1000,0g.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét