Tên khác: Bạch Ngọc lan, Ngục đường xuân.
Tên khoa học: Magnolia denudata Ders. [M.heptapeta (Buchoz) Dandy, M. obovata Thunb. var. denudata (Desr.) DC]. Họ Ngọc lan (Magnoliaceae).
Nguồn gốc:
Mô tả:
Cây gỗ, rụng lá, cao 3 - 10 m, phân cành, vươn rộng ra; ra hoa vào tháng 3 và đầu tháng 4, cành nhỏ, thanh mảnh, màu xám nâu vào mùa đông; mặt nhẵn. Lá rất to, hình bầu dục, trứng ngược, hoặc trứng ngược thuôn, dài 8 - 18 cm, rộng 3 - 10 cm, đầu lá nhọn hoặc nhọn dần; gốc lá hình nêm, phiến lá nguyên. Nụ hoa dài 2,5 cm, đường kính 1,2 cm, có lá bắc (thường là 3 lá bắc) bao bọc, đầu nụ tù, hơi nhọn dẫn, đầu nụ tròn, hoàn toàn phủ lông màu xám bạc. Nụ hoa có mùi thơm ngắt và vị cay; có hình chén (tách) mọc thẳng đứng, khi hoa nở lại nở theo chiều ngang, có 9 thùy, màu trắng, đội khi có màu phớt hồng hoặc màu tím ở gốc cánh hoa, về phía ngoài.
Quả hình nón, dài 15 cm, hình suốt hoặc hình thuôn. Khi chín, quả chuyển màu thành hồng nhạt; còn hạt có màu đỏ, khi đã hoàn toàn phát triển.
Bộ phận dùng: Nụ hoa
Thành phần hoá học:
Nụ hoa chứa tinh dầu trong đó có limonen, eugenol, 1 - 8 cineol. Rễ cây có magnoflorin, paeonidin [Trung Dược Đại Từ điển, số 2354 (1995)]. Theo Trung Họa bản thảo (1998): nụ hoa Ngọc lan có tinh dầu 0,29% - 0,67%: hoa có tinh dầu 0,08% - 0,09%, trong đó có limonen, camphen, b-myrcen, p-cymen (3-hexen 1-ol), acid linalool, n-pentadecane, a-copaen, b-bourbenen, muuroben, germacren D, a-citronellyl acetat v.v...
Tác dụng:
- Chống quá mẫn, chống viêm.
- Tác dụng hạ huyết áp.
- Tác dụng hưng phấn tử cung.
- Chống ngưng máu, vón huyết tiểu cầu.
- Kháng virus, (vi sinh vật)...
Theo Đông y:
Tính vị, quy kinh: Tân, ôn; vào các kinh phế, vị.
Công năng: Tán phong hàn, thông tỵ khiếu (mũi).
Dùng điều trị: phong hàn đầu thống (đau nhức đầu), tỵ tái, tỵ uyên, tỵ lưu trọc thế (ngạt mũi do cảm, phòng hàn, viêm mũi, viêm xoang chảy nước mắt, chảy nước mũi có mủ).
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng: 3 - 9g dạng thuốc sắc để uống.
Dùng ngoài, số lượng thích hợp.
Bài viết được trích từ sách: CÂY HOA CHỮA BỆNH
của các tác giả Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang,
Ngô Ngọc Khuyến biên soạn, NXB Y Học ấn hành.
Nhận xét
Đăng nhận xét