Còn gọi là Tía tô dại, Hoắc hương dại, cây Cọc giậu (Hyptis suaveolens (L.) Poit.) thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
Mô tả: Cây thảo cao 0,5 - 2m, có nhiều lông. Lá có cuống dài, phiến lá hình trứng, mép có răng cưa, có lông ở cả 2 mặt. Cụm hoa xim ở kẽ lá, có cuống ngắn hơn lá. Hoa màu xanh hơi tím. Đài hoa có lông, 10 cạnh, 5 răng như kim. Tràng có hai môi. Quả bế tư, hơi dẹt.
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở đất hoang ven đường đi, nơi khô ráo, gặp nhiều ở Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang. Có thể thu hái toàn cây tươi, cắt bỏ rễ, hoặc dùng rễ để riêng phơi hay sấy khô. Có khi chỉ hái lấy lá phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Trong cây tươi có 1-1,5% tinh dầu, trong đó có sabinen, limonen, azulen sesquitecpen và ancol sesqiutecpen. Trong lá tươi có tinh dầu mà thành phần chính là camphen, gama-tecpinen, beta-pinen, limonen, fanchen; còn có 5 tecpen, 10 sesquitecpen và 5 ditecpen chưa xác định.
Theo Y học cổ truyền, cây có vị đắng, cay mắt, có mùi thơm, có tác dụng như các cây có tinh dầu khác dùng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, làm thông khí, làm ra mồ hôi, làm ấm dạ dày. Thường được sử dụng làm thuốc chữa cảm sốt, đau đầu, đau dạ dày, ruột chướng khí, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy. Còn dùng trị lỵ ra máu, ra mủ, sưng vú.
Cách dùng: Phần cây trên mặt đất dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm, mỗi ngày 10 - 15g, dùng riêng hoặc phối hợp với Hương nhu, Kinh giới. Nước sắc của cây rửa ngoài trị phát ban viêm da. Dùng tươi giã đắp trị rắn cắn, đắp nơi viêm tấy sưng đỏ, lở loét. Rễ sắc uống, giúp ăn ngon, làm thuốc điều kinh và kích thích làm toát mô hội, còn được dùng làm thuốc kích thích sự tiết sữa.
Nhận xét
Đăng nhận xét