Còn gọi là Nhài, hoa Nhài, Lài dây (Jasminum sambac Ait.) thuộc họ Nhài (Oleaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, có khi leo, có nhiều cành mọc xòe ra. Lá hình trái xoan bầu dục, bông ở cả 3 mặt, có lông ở dưới ở kẽ những gân phụ. Cụm hoa ở ngọn, thưa hoa. Lá bắc hình sợi. Hoa màu trắng, thơm ngát. Quả hình cầu, màu đen, bao bởi đài tồn tại, có 2 ngăn.
Bộ phận dùng: Hoa, lá và rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây trồng làm cảnh khắp nơi ở đồng bằng cũng như cả nước ta để lấy hoa ướp chè hoặc để làm thơm thức ăn. Vào mùa thu đông, đào lấy rễ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô mà dùng. Lá thu hái quanh năm. Hoa hái khi mới nở, dùng tươi hay phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Chỉ mới biết trong hoa có một chất béo thơm chừng 0,08% thành phần chủ yếu của chất béo này là chất parafin este formic axetic-benzoiclinalyl và esteanthranilic metyl và indol. Chưa rõ tác dụng dược lý của chúng.
Theo Đông Y, Lài có vị cay, tính mát. Hoa lá có tính thanh nhiệt, giải biểu và rễ có tính giảm thống.
Hoa dùng ướp trà. Hoa và lá dùng làm thuốc đắp để giảm sự tiết sữa, uống trong chữa đau mắt và chữa lỵ, còn dùng trị ngoại cảm, phát sốt, trướng bụng, ia lỏng. Hoa cũng dùng chữa mắt, chữa viêm màng khóe mắt và màng mộng, chữa trẻ em lên sởi có sốt, sởi mọc không đều, vật vã. Rễ làm giảm đau, an thần và cũng dùng làm thuốc điều kinh. Rễ nấu cao bôi trị viêm mũi, viêm giác mạc. Vỏ sắc uống lợi sữa. Lá sắc uống trị khí hư. Lá vò vào chậu nước tắm cho trẻ em để trừ rôm sẩy, phối hợp với lá Ngải cứu thì da dẻ càng mịn màng.
Cách dùng: Hoa sắc lấy nước dùng rửa mặt, dùng pha như pha trà hay sắc uống chữa lỵ. Liều dùng 2 - 4g hoa khô. Cũng có khi người ta giã nát, vắt lấy nước trộn với lòng trắng trứng đắp lên mắt (bên ngoài). Lá sao uống chữa khí hư, với liều 10 - 20g. Để trị đòn ngã gãy xương, người ta dùng một ít rễ phối hợp với các vị thuốc khác giã nhỏ, đắp ngoài.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét