Còn gọi là Tỏi lào, Hành lào, Hành đỏ, Tỏi đỏ (Eleutherine subaphylla Gagn.), thuộc họ La dơn (Iridaceae).
Mô tả: Cây thảo cao 20 - 30cm. Thân hành (thường gọi củ) giống củ hành nhưng dài hơn, có vảy màu đỏ nâu. Lá hình giáo dài, gân lá song song. Hoa trắng mọc thành chùm. Quả nang, chứa nhiều hạt.
Bộ phận dùng: Thân hành (củ).
Nơi sống và thu hái: Thường được trồng lấy củ làm thuốc. Thu hái củ khi cây đã tàn lụi. Dùng tươi hoặc sấy khô, thường dùng thái mỏng, phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Người ta đã xác định được 3 chất ở trong cây là Eleutherin, isoeleutherin và eleutherola. Có tác dụng kháng sinh với chủng Staphyllococcusaureus. Dùng trị chốc đầu trẻ em, mụn nhọt, viêm da, viêm họng cấp tính và mãn tính, tổ đỉa, vảy nến... Còn dùng trị ho, ho lao, cầm máu.
Theo Y học cổ truyền, củ có vị ngọt nhạt, tính hơi ấm, có tác dụng tư âm, dưỡng huyết, chỉ huyết sinh cơ, chỉ khái. Thường dùng trị thiếu máu, vàng da, hoa mắt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi, băng huyết, ho ra máu, thương tích lưu huyết (giã tươi đắp), ho gà, viêm họng, tê bại do thiếu dinh dưỡng, đinh nhọt, lở ngứa.
Cách dùng: Sâm đại hành thường được dùng ngâm rượu uống làm thuốc bổ, trị xanh xao, thiếu máu. Nấu thành cao đặc rồi luyện viên uống sát trùng, chữa chàm chốc và bệnh ngoài da. Bên ngoài dùng thuốc mỡ Sâm đại hành 10% hoặc cồn Sâm đại hành 20% để bôi. Sâm đại hành đã phơi khô, sao qua, hãm uống làm thuốc an thần, gây ngủ. Ngày dùng 4 - 12g.
Bột Sâm đại hành dùng cầm máu, dùng uống trị ho, họ lao. Thường dùng phối hợp với Rẻ quát (Xạ can) làm thuốc viên uống trị ho, viêm họng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Tỏi Đỏ
Nhận xét
Đăng nhận xét