Cải bẹ trắng, Cải thìa, Cải rổ tàu, Cải bắc thảo hay Cải bắp dài - Brassica chinensis L., thuộc họ Cải - Brasicaceae. Cây thảo sống 1 - 2 năm, cao 25-27 cm hay hơn, lá chụm ở đất, nhiều, màu lục tươi, dài 20-30cm, mép nhăn, nhiều gân, cuống đẹp, rộng 2-7cm, trắng; hoa màu vàng tươi; quả cải có mỏ ngắn.
Cải bẹ trắng gốc ở Châu Á (vùng Nam Á) đã được gây trồng ở nhiều nước, hiện có nhiều giống trồng, có một số giống cớ lá ít sít nhau, một số giống khác có lõi bắp dài và chắc. Ở nước ta, Cải bẹ được trồng khắp nơi, ở Đã lạt cũng trồng nhiều giống lá xoăn, lõi bắp chắc (Cải thảo).
Các lá ngoài màu lục nhạt, hơi cứng dùng nấu canh ăn như Bối xôi và các loại rau Cải khác; còn phần lõi bắp cuộn lại ở phía trong, trắng và mềm, có thể dùng ăn sống, trộn dầu, giấm như xà lách, dùng nấu canh, nấu lẩu hoặc xào ăn đều ngọt cả. Cải bẹ cũng có thể dùng để chế biến các món ăn có thể để dành lâu dài, ví dụ như muối dưa. Loại cải thảo có thể dùng xắt khúc nhỏ đem tẩm xì dầu để phơi cất ăn dần, dùng nấu canh thịt, hấp cá, ăn hủ tiếu ăn thị bò viên. Cuống cải thảo có thể xắt miếng, lẫn với Cà rốt đem muối (thêm hành tỏi, bột ớt nước gừng) có vị chua chua, ngòn ngọt, cay cay, nồng nồng.
Cải bẹ trắng cũng như các loại Cải khác, đều có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù. Người ta gọi nó là Thanh giới hay Tiểu bạch giới. Hạt của nó có thể dùng như Bạch giới tử - Brassica pekinensis Rupt. có vị cay, có tác dụng lợi khí, long đờm, thông kinh lạc, tiêu viêm. Chủ yếu dùng làm thuốc chữa đờm tích tụ, ho có nhiều đờm (nấu uống), trừ mụn nhọt (giã nát hoà với giấm đắp vào chỗ sưng tấy), chữa chứng ống chân sưng (cước khí) và chứng đau nhức vì gió.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét