Mạch môn hay Mạch môn đông (Ophiopogon japonicus (Thunb.) Ker - Gaul) thuộc họ Thiên môn (Asparagaceae).
Mô tả: Cây thảo sống dai nhờ thân rễ; thân rễ này ngắn nên các lá như mọc chụm ở đất. Lá dẹp, xếp thành 2 dãy.
Hoa mọc thành chùm nằm ở trên một cán hoa trần dài 10 - 20cm. Hoa nhỏ màu lơ sáng, có cuống ngắn, xếp 1-3 cái một ở nách các lá bắc màu trắng. Bao hoa 6 mảnh, rời hay dính ở gốc. Nhị 6, bao phấn mở dọc. Bầu 3 ô, một vòi nhụy với 3 đầu nhụy. Quả mọng màu tím, chứa 1 - 2 hạt.
Bộ phận dùng: Rễ củ hình thoi màu vàng.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng làm bờ các bồn hoa ở nơi mát và có bóng râm.
Gặp ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trồng bằng gốc có rễ vào mùa xuân.
Thu hái rễ vào mùa thu, đào rễ củ già, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ nhỏ ở hai đầu cũ. Củ nhỏ để nguyên, củ to có thể bổ đôi theo chiều dọc rồi phơi hay sấy nhẹ đến khô. Khi dùng ủ mềm, bỏ lõi.
Hoạt chất và tác dụng: Trong củ có chất nhầy, đường glucoza, beta-xitosterola. Các chất khác chưa rõ. Chưa có tài liệu nói về tác dụng được lý.
Dược điển Việt nam tập II có ghi: Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, vào kinh tâm, phế, vị. Có công năng thanh tâm, nhuận phế, trừ phiền nhiệt, trị khái huyết. Chủ trị ho có đờm, ho lao, về chiều nóng âm ỉ, sốt cao, tâm phiền, khát nước, thổ huyết khái huyết, đổ máu cam.
Mạch môn lá cây thuốc thông dụng trong dân gian làm thuốc bổ phổi trị ho, long đờm, sốt khát nước, hạ nhiệt trong cơ thể, lợi tiểu tiện, trị táo bón, lợi sữa cho đàn bà để nuôi con nhỏ và làm giảm bệnh mộng tinh.
Cách dùng: Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với Rẻ quạt, lá Hẹ, hoa Đu đủ đực, Húng chanh để trị ho. Người tỳ vị hư hàn, ăn uống chậm tiêu, ỉa chảy không dùng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét