Mùi tàu hay rau Mùi tàu, rau Mùi cần, Ngò tàu, Ngò gai (Eryngium foetidum L.) thuộc họ Hoa Tán (Apiaceae).
Mô tả: Cây thảo mọc hàng năm, nhẵn, có thân đơn độc, phân nhánh ở ngọn, cao 15 - 50cm. Lá ở gốc hình hoa thị, mỏng, thuôn, mũi mác, thon hẹp lại ở gốc, mép có răng cưa, với răng hơi có gai. Lá ở thân có răng nhiều hơn, các lá ở trên xẻ 3 - 7 thùy ở chóp và có gai nhiều Hoa thành đầu hình trứng hay hình trụ, có bao chung gầm 5-7 lá bắc hình mũi mác hẹp. Mỗi bên có 1 - 2 răng và 1 gai ở chóp. Quả gần hình cầu, hơi dẹt, đường kính 2mm.
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang phổ biến ở nơi ẩm mát, vùng đồi núi và được trồng ở nhiều nơi làm giá vị.
Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Để dùng làm thuốc có thể thu hái toàn cây quanh năm, thường dùng loại tươi, hoặc phơi khô trong mát để dùng dần.
Hoạt chất và tác dụng: Toàn cây có tinh dầu. chưa có tài liệu phân tích loại tinh dầu này.
Mùi tàu là cây rau, lá cây gia vị quen thuộc của nhân dân ta, thường dùng ăn sống hoặc nấu chín. Cây có mùi như rau Mùi, hay Ngò. Cũng được dùng làm thuốc chữa sốt, cảm mạo đầy bụng, ăn uống kém tiêu. Phụ nữ thường dùng phối hợp với vị Bồ kết để gội đầu cho thơm tóc. Ở Mã Lai, người ta dùng Mùi tàu phối hợp với rễ Cam thảo đất làm thuốc lợi tiêu hóa.
Cách dùng: Mỗi ngày 10-20g hãm uống, hay sắc uống chia làm nhiều lần. Để chữa sốt, cảm mạo, có thể phối hợp với các loại cây có tinh dầu như Lức, Ngải cứu, Gừng.
Bài thuốc chữa cảm mạo, ăn uống không tiêu: Mùi tàu khô 10g, Cam thảo đất 6g, nước 300ml, đun sôi, Giữ sôi trong 15 phút. Chia 3 lần uống trong ngày. Uống lúc nóng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét