a. Thành phần và tác dụng
Trong củ riềng chứa nhiều tinh dầu, trong đó chủ yếu là cineol và methycinnamat.
Ngoài ra, còn có chất dầu, vị cay, một số dẫn chất của flavon ở dạng tinh thể.
Theo Đông y, củ riềng có vị cay, tính ấm vào các kinh tỳ, vị. Củ riềng có tên thuốc là cao lương khương, tiểu lương khương, phong khương. Riềng có tác dụng ôn trung, tán hàn, hết đau, tiêu thực. Nó được dùng cả trong Tây y và Đông y để làm thuốc kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy. Riềng có tác dụng chữa sốt rét, sốt nóng, đau răng, trúng gió, làm ấm tỳ vị và kiết lỵ lâu ngày, thổ tả, chuột rút.
b. Bài thuốc phối hợp
- Đau dạ dày do hư hàn: Triệu chứng là đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói thì đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng. Dùng riềng, hương phụ mỗi vị 6 - 10g; bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g; ô dược 9 - 12g; định hương 6 - 9g; sa nhân 3 - 6g. Sắc uống.
- Đau dạ dày cấp: Bệnh nhân đau đớn khó chịu, nôn oẹ, ăn uống kém. Dùng các vị sau: riềng (chế với đại hoàng), thanh bì, trần bì, mộc hương, thạch xương bồ mỗi vị 6g; đinh hương 4g; sơn tra 15g. Sắc uống ngày một thang.
- Đau bụng dữ đội, trằn trọc không yên, chân tay lạnh, môi tái, bụng trướng: Dùng bạch thược sao 30g, cam thảo 10g, riềng 10g, tô mộc 10g, bạch chỉ 15g. Tán bột, uống với nước lã đun sôi, hoặc sắc uống ngày một thang.
- Đau bụng do lạnh, nôn mửa: Riềng 8g, đại táo 5g. Sắc với 300ml còn 100ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
- Sốt rét kém ăn: Riềng tẩm dầu vừng sao 40g, gừng nướng 40g, hai vị tán nhỏ dùng trư đảm hoà vào rồi viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 15 - 20 viên.
- Đau bụng, đau hai bên sườn, sôi bụng, tiết tả: Riềng 12g, hương phụ 12g. Tán bột, viên hoặc sắc uống sẽ hành khí giảm đau.
- Đầy bụng, nôn mửa: Lấy riềng củ, gừng khô, củ gấu phơi khô lượng bằng nhau đem tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 4 - 6g.
- Đau bụng lạnh, nôn mửa, tiêu chảy: Riềng, củ gấu, gừng khô liều lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 6g, ngày uống 3 lần.
- Hắc lào: Củ riềng già 100g, giã nhỏ, ngâm với 200ml rượu hoặc cồn 70°. Chiết ra dùng dần, khi dùng, bôi dung dịch cồn nói trên vào chỗ tổn thương, ngày bôi vài lần.
- Ho, viêm họng, tiêu hoá kém: Củ riềng thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần.
- Ỉa chảy đau bụng: Lấy 1 củ riềng giã nhỏ, cho vào ba bát nước đun kỹ bỏ bã. Sau đó cho một ít gạo tẻ vào nấu thành cháo ăn.
- Người lạnh da: Lấy 1 củ riềng, 1 củ gừng khô, hai thứ ngâm nước sôi cho mềm, rửa sạch thái phơi khô giòn, tán nhỏ, làm viên với nước hồ, to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 20 viên với nước vỏ quýt. Phụ nữ có thai không được uống.
- Chữa chứng sốt rét của người yếu: Lấy 1 củ riềng, 1 củ gừng, thái nhỏ phơi khô, tán nhỏ, rồi trộn với mật lợn làm viên. Mỗi ngày uống 1 lần với rượu. Uống trước lúc lên cơn sốt 1 giờ.
- Đau bụng kinh niên: Lấy củ riềng, củ gấu mỗi thứ 1 bát, sấy khô giòn, tán nhỏ. Uống hàng ngày với nước lọc hoặc với nước cháo, mỗi lần uống một thìa con. Người bị táo bón không nên dùng bài này.
Trích nguồn từ sách: "NHỮNG VỊ THUỐC QUANH TA"
của Đức Minh do NXB Hà Nội ấn hành
Xem thêm: Củ RIỀNG
Xem thêm: CÂY RAU LÀM THUỐC - RIỀNG
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - RIỀNG
Nhận xét
Đăng nhận xét